Biển An Bàng cách Hội An thuộc phường Cẩm An, thị xã Hội An, Quảng Nam. Nơi đây xưa vốn là bãi tắm buổi sáng của ngư dân quanh đó. An Bàng hấp dẫn với màu nước biển xanh ngắt, bãi cát trải dài vàng rực dưới nắng, những mái chòi lợp lá cọ xen giữa những thảm hoa muống biển xanh mướt tím ngát. Hầu hết du khách tới đây là khách nước ngoài, như Pháp, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Âu…
Năm 2010 An Bàng là một làng chài hoang sơ, yên bình và tĩnh lặng, người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt phụ thuộc vào thời vụ. Các cấp chính quyền cũng đã đề ra những chính sách mở rộng phát triển du lịch các vùng ven của Hội An theo xu hướng du lịch bền vững. Đây chính là cơ hội rất lớn cho làng chài An Bàng có thể chuyển mình từ một làng quê nghèo thành một làng quê phát triển du lịch cộng đồng ( bắt đầu từ năm 2012).
Phần lớn người dân trong làng làm nghề đánh bắt cá, quanh năm bám biển với những tập tục và thói quen chưa phù hợp cho phát triển du lịch: xả rác thải ra biển, phóng uế bừa bãi khắp mọi nơi, đặc trưng tính cách người dân vùng biển khá hung dữ dễ phát sinh mâu thuẫn và giải quyết xung đột cục bộ …). Người dân cũng không ý thức được những giá trị văn hóa và tài nguyên mà mình đang có, không nắm bắt tình hình phát triển trong địa phương và trên thế giới.
An Bàng phát triển mô hình du lịch như ngày nay là một phân công sức không nhỏ của ông Lê Ngọc Thuận (chủ tịch Hội Homestay Quảng Nam). Vốn dĩ là một người con An Bàng, dù không qua trường lớp đào tạo, ông Lê Ngọc Thuận đã nỗ lực tìm tòi học hỏi và dành nhiều công sức xây dựng thành công, khởi nguồn là từ mô hình homestay của mình, với mong muốn trao cho mình một cơ hội có thể thay đổi cuộc sống gia đình. Giờ đây ông Thuận là người “cầm tay chỉ việc” tạo sinh kế cho bà con làng xóm nơi đây có đời sống tốt hơn. Ông là người hướng dẫn, thúc đẩy cộng đồng cùng chung tay xây dưng phát triển An Bàng để đạt được những thành công như ngày hôm nay. Bên cạnh đó, một phần đóng góp rất lớn về ý tưởng sáng tạo, từ những người bạn nước ngoài yêu mến và có tâm huyết với Hội An nói chung và An Bàng nói riêng – những người luôn có tầm nhìn, sự hiểu biết, nắm bắt xu hướng thế giới. Họ là người đã chia sẻ, đã truyền cảm hứng để người dân An Bàng nhận thức ra những giá trị to lớn mà quê hương mình đang có.
Ông Lê Ngọc Thuận, chủ tịch Hội Homestay Quảng Nam
An bàng chỉ cách phố cổ Hội An 4 km nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ yên bình. Có không gian văn hoá tốt rất phù hợp cho mô hình nghỉ dưỡng kết hợp tìm hiểu văn hoá. Chính từ đó ý tưởng xây dựng một mô hình homestay đầu tiên ở An Bàng đã ra đời. Đồng thời nhờ vào sức mạnh của sự lan toả của cộng đồng đã tạo dựng một môi trường sống tốt hơn, văn minh hơn. Và từ chính cộng đồng, dựa vào cộng đồng, chúng ta sẽ giữ gìn được các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của An Bàng một cách liền mạch và bền vững nhất.
Mô hình homestay dân giã nhưng đậm chất văn hóa bản địa nên chạm tới cảm xúc của du khách. Qua sự truyền miệng và truyền thông đã thúc đẩy nguồn khách tăng lên theo cấp số nhân dẫn đến các dịch vụ đi kèm cũng phát triển, số lượng homestay tăng nhanh theo từng năm. Với đặc thù của một vùng duyên hải Miền Trung nắng gió vào mùa hè và ẩm thấp vào mùa đông đòi hỏi phải có sự hiểu biết rõ về cách sử dụng các vật liệu (tre non sẽ bị mối mọt, gỗ non sẽ dễ nứt nẻ…) để giảm bớt gánh nặng cho công tác bảo trì, bảo dưỡng và giảm chi phí thấp nhất cho đầu tư và tái đầu tư.
Mô hình homestay tại An Bàng thành công là nhờ vào nhiều cách thức sáng tạo mà đúng đắn:
Cách sử dụng, đào tạo nhân lực địa phương.
+ Tận dụng tối đa nguồn lực địa phương, đàn ông làm bảo vệ, phụ nữ làm buồng phòng, nấu ăn, làm lễ tân, hướng dẫn khách đi tham quan…
+ Đào tạo theo phương thức cầm tay chỉ việc và hoàn toàn sát thực tế.
Cách sử dụng tài nguyên
+ Giữ nguyên kiến trúc nhà truyền thống ven biển: nhà ba gian cùng mái hiên, khuôn bông trên cửa với chức năng lưu thông không khí và giá trị mỹ thuật.
+ Giữ nguyên gần như toàn bộ cây xanh trong vườn nhà.
+ Giữ nguyên những con đường cát đi bộ xuống biển.
Cách sử dụng vật liệu địa phương linh hoạt, rẻ và dễ kiếm nhưng vẫn đảm bảo được những giá trị công năng và giá trị mỹ thuật.
+ Mái lá dừa
+ Trụ gỗ
+ Nền nhà xi măng
+ Hàng rào bằng tre hoặc gỗ ghe thuyền cũ
+ Trang thiết bị trong phòng được sáng tạo từ những vật liệu tái chế: Khung gương ghép từ cành cây, vỏ ốc sò, đèn treo làm từ củi thu lượm trên bãi biển, trang trí đầu giường bằng ván thuyền cũ…
Có thể thấy rõ giá trị cộng đồng của An Bàng có sực mạnh vô cùng to lớn. Nó không chỉ từ chính quyền, những người dân địa phương mà là còn từ những người bạn quốc tế luôn yêu mến mảnh đất này. Để giờ đây tạo nên một An Bàng xanh, sạch, đẹp, đáng sống như hôm nay.
KTS Kim Anh – Viện Kiến trúc.
Nguồn: Vienkientruc.vn