KTS. Lê Minh Hoàng
GIẢI BẠC – Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2021
Thể loại Kiến trúc công cộng – hạng mục công trình thương mại/trụ sở
Năm hoàn thành xây dựng : 2020
Địa điểm xây dựng : Nhà thờ lớn Hà Nội
Đây là đề tài khó – giải bài toán hóc búa: tạo mới một số chức năng sử dụng, bên cạnh một di sản, mà quỹ đất dành cho nó là không có (chỉ có một hành lang vỉa hè xen lẫn với hàng cây bóng mát). Nếu không có một tư duy sáng tạo đột phá, với thao tác nghề nghiệp có bản lĩnh chuyên môn sắc, sẽ không thể thành công được.
Thủ pháp của đồ án lựa chọn là tìm đến sự nạp hoà giữa các mặt đối lập hướng tới bền vững. Giữa cái có mà dường như không có, trong cái “âm” có hình bóng của cái “dương”, vừa lạ lẫm, vừa gần gũi trong sự nhập nhoàng thị giác. Công trình đạt được tính đồng ứng cao, thoả mãn mục tiêu đặt ra.
Nhận xét của Hội đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2021.
Một đối thoại giữa cũ và mới là không tránh khỏi. Bên cạnh đấy là tinh thần tôn giáo, những thắc mắc về đề tài nhị nguyên công giáo vẫn được cân nhắc (dù còn nhiều tranh luận), cẩn trọng truyền tải trong kiến trúc có công năng phổ thông thuần túy, trong khi từ chối lặp lại các biểu tượng vốn có của tôn giáo này. Với cách tiếp cận này, một chương trình với hệ thống các cặp đối lập (lưỡng phân) được nghiên cứu và thiết lập bao gồm: cao-thấp, lớn-nhỏ, đặc-rỗng, chính-phụ, âm-dương, hoàn thiện-bất toàn, cố định- tiếp diễn, nặng-nhẹ, nổi bật-lẩn khuất, hiện hữu-không tồn tại… tạo lập quan hệ giữa công trình mới và quần thể kiến trúc hiện trạng xung quanh.
Hệ thống này được cụ thể hóa bằng các giải pháp kiến trúc thông thường (kính, thép là chủ đạo, cây xanh hiện trạng được giữ lại gần hết, đan xen trong công trình mới với cấu trúc biến thể và thu nhỏ từ hình thái basilica cơ bản).
Ý đồ kiến tạo một bóng “râm” lớn được tạo bởi mái hiên trải dài đan cài cây xanh hiện trạng, nhằm giảm thiểu tối đa sự xuất hiện vật lý của công trình kiến trúc, đề cao tính “âm”, “nhường” lại tối đa sự hiện hữu cho di sản nhà thớ chính tòa có tính “dương” khá rõ rệt…
Quan hệ giữa công trình và bối cảnh rất dễ nhận biết, tuy nhiên bản thân kiến trúc thực tế khá mập mờ, quan điểm á đông “âm dương giao hòa” (lưỡng hợp), trong phần công trình “âm” có hình bóng của kiến trúc “dương”, được tính toán cẩn thận thông qua thiết kế vỏ ngoài công trình, đồng thời là thủ pháp giải quyết phần nào mâu thuẫn khi vừa muốn tạo lập hiệu ứng giảm thiểu tối đa sự chiếm lĩnh của khối tích, nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ không gian phục vụ. Khối hình (prototype) giản đơn, nhập nhằng thị giác, đa hình vừa lạ lẫm, vừa gần gũi với quá khứ kiến trúc công truyền thống, hay dấu tích sót lại dạng cấu trúc nhà dài, hay đơn giản là một mái hiên lớn, phát triển theo dạng tuyến, đề cao tính bất toàn hoặc tiếp diễn của công trình.
Trong một bối cảnh kiến trúc có tuổi đời và giá trị lịch sử, bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu của dự án, thông qua đề xuất thiết kế, tư vấn mong muốn bày tỏ nghiên cứu bảo tồn và quan điểm ứng xử của mình với cảnh quan và di sản có tuổi đời.
“Ngôi thánh đường hiện tại là di sản kiến trúc, được tạo lập trên một nền móng của công trình tôn giáo tiền nhiệm (Phật giáo ở đây cũng là một tôn giáo ngoại lai), lớp lang các tín ngưỡng du nhập trong đời sống văn hóa Việt Nam, bằng cách này hay cách khác với nhiều mục đích khác nhau từ tư tưởng đến đời sống văn hóa chính trị, nhưng không hiểu sao
người việt bao đời vẫn thực hành trong một “tâm thế hỗn giao” (theo giáo sư Trần Quốc Vượng), nhập nhằng, chiết trung. Người Việt không có tôn giáo riêng (chỉ có tín ngưỡng), nhưng bằng cách nào đấy những văn hóa và tôn giáo bên ngoài đến với họ đều rất dễ dung hòa.
KTS Kim Anh – Viện Kiến trúc.
Nguồn: Vienkientruc.vn