Lễ trao giải thưởng Loa Thành lần thứ 33 – năm 2021

Sáng 12/12/2021, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Loa Thành lần thứ 33 – năm 2021.

Giải thưởng do Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng cùng phối hợp tổ chức Giải thưởng Loa Thành dành cho các đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên các trường ĐH có đào tạo chuyên ngành về xây dựng và kiến trúc trên cả nước nhằm động viên, khích lệ những bạn sinh viên năm cuối có năng lực tốt trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng trước khi ra trường.

Năm nay, dù trong bối cảnh đại dịch COVID -19, các trường đều gặp khó khăn, trở ngại nhưng với phương thức đổi mới đào tạo thích ứng với điều kiện dịch bệnh, thầy và trò các trường đều cố gắng để tham gia dự thi. Giải thưởng lần này nhận được sự tham gia của 188 đồ án đến từ 20 trường trong toàn quốc. Riêng chuyên ngành Kiến trúc và Quy hoạch thu được 115 bài tham dự đến từ 16 trường trên cả nước. Các trường có nhiều đồ án tham dự là: Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (37 đồ án), Đại học Xây dựng Hà Nội (34 đồ án), Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh (25 đồ án). Tổng số đồ án các trường này đoạt được (gồm giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích), lần lượt là: 17, 13 và 9.

Một số hình ảnh của buổi lễ:

TS. KTS. Phan Đăng Sơn – Chủ tịch hội KTS Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Loa Thành 2021. (ảnh Tạp chí Kiến trúc – Hội KTSVN)

Các giảng viên hướng dẫn đồ án đạt giải được vinh danh trên sân khấu. (ảnh Tạp chí Kiến trúc – Hội KTSVN)

Các sinh viên nhận giải thưởng và bằng khen. (ảnh Tạp chí Kiến trúc – Hội KTSVN)

Hội KTS Việt Nam trao tặng Bằng sáng tạo kiến trúc cho 3 Giải Nhất, 7 Giải Nhì thuộc chuyên ngành Kiến trúc – Quy hoạch. (ảnh Tạp chí Kiến trúc – Hội KTSVN)

TS. KTS. Phan Đăng Sơn – Chủ tịch hội KTS Việt Nam, trúc trao cờ luân lưu cho đơn vị đăng cai tổ chức giải thưởng Loa Thành lần thứ 34 năm 2022. (ảnh Tạp chí Kiến trúc – Hội KTSVN)

 

Giải thưởng Loa Thành năm nay gồm: 5 giải Nhất, 13 giải Nhì, 23 giải Ba, 23 giải Khuyến khích. Trong đó chuyên ngành Kiến trúc – Quy hoạch gồm: 3 giải Nhất, 7 giải Nhì, 14 giải Ba, 14 giải Khuyến khích.

 

Các đồ án đoạt giải thưởng Loa Thành 2021 chuyên ngành Kiến trúc – Quy hoạch:

https://vienkientruc.vn/wp-content/uploads/2021/12/PANO-Loa-Thanh-2021-Dang-web.pdf

 

Dưới đây là nhận xét về các đồ án đoạt giải Nhất và Nhì của Giải thưởng Loa Thành 2021 chuyên ngành Kiến trúc – Quy hoạch:

GIẢI NHẤT:

 1/ Đồ án CC-17: “Thập Tam trại – Không gian trải nghiệm, bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội”

Đồ án là góc nhìn đương đại về lịch sử của một vùng đất văn hiến, cảm hứng từ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể từ nhiều làng nghề truyền thống văn đô Thăng Long xưa. Tác giả không tập trung phục dựng lại những hình thức hoạt động trong quá khứ mà chỉ muốn truyền tải một tinh thần xưa qua một không gian đương đại. Chủ đích của tác giả kéo gần các không gian trong quá khứ vốn rải rác, khu biệt, thành một nơi chốn tập trung – liên hoàn, đưa cả 13 làng và các nghề thủ công vào một không gian văn hóa giải trí đương đại. Nhìn từ tổng thể đến chi tiết, đồ án có được sự sáng tạo và đạt hiệu quả từ việc lựa chọn đề tài, đến việc đề xuất ý tưởng và sử dụng kiến trúc trong vai trò một nghệ thuật sắp đặt không gian.

Tổng mặt bằng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan của đồ án được nghiên cứu và chắt lọc từ các không gian truyền thống, có tính logic trong việc lựa chọn bố cục và đường nét. Các thủ pháp trình bày, thể hiện sáng tạo, công phu, tinh tế. Các giải pháp kiến trúc không sa đà vào việc phục dựng hay chi tiết hóa mà chỉ dừng lại ở việc tạo ra những không gian trống để trưng bày giới thiệu các hoạt động, có tính điển hình, khái quát cao, nhưng vẫn có ngôn ngữ và sắc thái riêng, không lệ thuộc vào những hình thức truyền thống.

Đồ án đã có sự thành công nhất định khi làm mới những giá trị truyền thống, trong những không gian đương đại, đề xuất truyền tải nội dung với nhiều hình thức của thời đại như công nghệ số, công nghiệp văn hóa sáng tạo.  Nếu có thể tổ chức trong một không gian rộng lớn hơn, đồ án sẽ có thể khai thác được nhiều hơn về bối cảnh, cân bằng giữa không gian cảnh quan với các kiến trúc vật thể.

2/ Đồ án CC-35: Trung tâm Thiền định Thiên Cẩm Sơn

Đồ án có khối lượng lớn và thể hiện công phu, cho thấy rõ khả năng nghiên cứu sâu và năng lực triển khai của sinh viên. Tác giả đã biết khai thác những dữ liệu và thông tin từ Phật giáo (khá sâu sắc) qua phân tích, đánh giá, để rồi chọn lọc chuyển hóa thành nội dung ý tưởng chủ đạo cùng các chi tiết với ngôn ngữ sáng tạo hiện đại. Các ý tưởng thiết kế là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn về mặt tinh thần và tâm linh với bối cảnh hiện trạng khu vực thiết kế (An Giang). Đồ án biết tận dụng địa hình và thế đất, tôn trọng tối đa cảnh quan thiên nhiên để khéo léo sắp xếp bố cục các khối công trình. Việc sử dụng các ngôn ngữ kiến trúc cô đọng, tương phản mà hài hoà với thiên nhiên là một giải pháp tinh tế, thể hiện tài năng của sinh viên.

Bố cục mặt bằng các khu chức năng mạch lạc, rõ ràng, liên kết với nhau, tạo ra các trục bố cục, tổ hợp khối chính, phụ với các công năng phù hợp. Không gian nghi lễ linh thiêng có qui mô hợp lý và tính riêng tư, có sự tương phản âm – dương ẩn dụ khéo léo, với tỷ lệ gần gũi, phù hợp với con người. Sinh viên thể hiện kỹ năng diễn họa chuyên nghiệp, giàu thẩm mỹ, thể hiện đầy đủ các nội dung theo yêu cầu một đồ án tốt nghiệp. Tuy nhiên, ở một vài chi tiết, nếu sinh viên có sự tiết chế hơn nữa thì đồ án sẽ còn hoàn thiện ở mức độ cao hơn và phù hợp với bản chất của khái niệm “Thiền”.

3/ Đồ án QĐ-10: Thiết kế kiến trúc cảnh quan một phần tuyến đường sắt Răng cưa Đà Lạt-Phan Rang

Phục hồi, tái tạo không gian cảnh quan một phần tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt-Phan Rang là một đề tài hấp dẫn, mang tính cấp thiết trong bối cảnh phát triển kinh tế, với mũi nhọn là phát triển du lịch dựa trên các tiềm năng về lịch sử, văn hóa, cảnh quan tự nhiên.

Ý tưởng tìm lại những giá trị lich sử, văn hóa, cảnh quan tự nhiên của Đà Lạt; Phác thảo hành trình phát triển Đà Lạt theo đoàn tầu hỏa xa và khắc họa trong từng đoạn tuyến, từng điểm, bến, trạm dừng chân của đường sắt đoạn qua Đà Lạt. Từ đó, tạo nên một vùng đất mang tinh thần Đà lạt về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, cảnh quan hai bên tuyến đường sắt – Bổ sung và làm phong phú thêm những giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên của Đà Lạt. Đồ án tạo nên những dấu ấn nơi chốn, kí ức, cảm xúc đem lại sức hấp dẫn cho môi trường phát triển dịch vụ du lịch, mang tính khả thi.

Các giải pháp đề xuất được dựa trên nền tảng phân tích thấu đáo lịch sử phát triển Đường sắt răng cưa Đà Lạt – Phan Rang và tôn trọng những giá trị của môi trường văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên, nơi tuyến đường sắt răng cưa được hình thành. Đồ án đã chuyển tải những thông điệp hết sức nhân văn từ ý tưởng đến cách biểu đạt của hệ thống các bản vẽ, sơ đồ minh họa.

GIẢI NHÌ:

1/ Đồ án CC 16: Trung tâm đại học Carcassonne – Bastide Point

Đồ án chọn đề tài ở Pháp có quy mô vừa phải, với thể loại thiết kế công trình cải tạo trong một đô thị cổ kính có giá trị lịch sử cao. Hội đồng đánh giá cao cách tư duy, tiếp cận của đồ án vì dám suy nghĩ, hành động và vượt ra khỏi ranh giới an toàn của một đồ án sinh viên. Cách phân tích, thể hiện và trình bày đồ án nghiêm túc, thông tin dẫn dắt khoa học, truyền tải được ý tưởng thiết kế, gần sát với yêu cầu thực tế về hồ sơ của các tư vấn thiết kế đang vận hành.

Sinh viên có ý tưởng thiết kế sáng tạo, tư duy trưởng thành và giải quyết vấn đề rất sâu, chi tiết, không mơ hồ, sáo rỗng, sơ sài như nhiều đồ án sinh viên vẫn còn bị mắc phải. Đồ án mang tính khả thi cao. Tuy nhiên, nhược điểm của đồ án là cách lựa chọn khu đất chưa tối ưu do nhu cầu quảng trường ở Châu Âu vẫn được ưu tiên hơn so với đề xuất một giải pháp mới.

2/ Đồ án CC 33: Trung tâm cứu hộ động vật và nghiên cứu môi trường hoang dã rừng Nam Cát Tiên

Sinh viên đã chọn lựa một đề tài có tính thời sự đồng thời cũng mang tính nhân văn. Đồ án có nghiên cứu sâu về chu trình cứu hộ, chữa bệnh, nuôi dường và chăm sóc động vật hoang dã, với nhiều giai đoạn và hình thức cứu hộ mà mục đích cuối cùng là thả được động vật về lại với tự nhiên theo một dây chuyền đa chức năng nhưng được tổ chức rất khoa học. Sự kết hợp giữa tham quan, học tập của các đoàn khách, và các không gian làm việc, nghiên cứu, triển lãm và hội nghị hội thảo, tạo nên một trung tâm chuyên nghành tổng hợp về động vật hoang dã vừa đa dạng, vừa mang tính bền vững.

Các khu chức năng được bố trí hợp lý, thuận tiện và được thể hiện qua hình thức kết nối của một dàn mái mô phỏng sinh học rất phù hợp với cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Hình thức tổng thể hiện đại cùng với bốc cục các mảng chức năng xen hoà vào địa hình, các không gian nội thất phong phú, linh hoạt, mềm mại, đem lại sự hấp dẫn và thích thú cho người xem. Đặc biệt các dải cây xanh được bố trí đan xen sâu vào công trình tạo ra sự gắn bó chặt chẽ và đã góp phần giảm nhẹ độ lớn công trình cho thấy khả năng xử lý từ tổng thể đến chi tiết của sinh viên là khéo léo và tinh tế. Tuy nhiên, nếu sinh viên có thể khai thác nhiều hơn các yếu tố về đặc thù vị trí địa lý và yếu tố văn hóa truyền thống thì đồ án sẽ gây thêm ấn tượng và thiện cảm khi có thêm giá trị về nơi chốn cụ thể.

3/ Đồ án CC 43: Trung tâm Khám phá Mỏ đá Mông Sơn kết hợp du lịch Hồ Thác Bà, Yên Bái

Đồ án được lấy bối cảnh rất đặc biệt là mỏ đá trắng Mông Sơn bị khai thác gần như cạn kiệt mà nay bỏ hoang bên cạnh một di tích thắng cảnh hồ Thác Bà được xếp hạng, rất cần được phục hồi và gia tăng giá trị thông qua phát triển du lịch địa phương, trên cơ sở truyền thống làm nghề chế tác đá mỹ nghệ của Yên Bái.

Đồ án có khối lượng bản vẽ lớn, thể hiện sự nghiên cứu công phu, toàn diện về các vấn đề đặt ra. Mọi tiềm năng và truyền thống của khu vực nghiên cứu khá đầy đủ; hiện trạng địa hình được phân tích đánh giá kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, các bài học thực tiễn rút ra từ trong nước và quốc tế về loại hình du lịch này đã được nghiên cứu và đưa ra để tạo nền tảng chắc chắn cho ý đồ và giải pháp chung của đồ án. Với ý tưởng tạo không gian kiến trúc từ chất cảm của đá tự nhiên, đồ án đã đề xuất phương án thiết kế công trình phát triển đan cài vào địa hình mỏ đá, tạo ra tổng thế kiến trúc và các hình khối liên tưởng tương đồng với hình ảnh mỏ đá như vừa đang được khai thác mà lại như một phần tự nhiên của cảnh quan xung quanh. Giải pháp này khá ấn tượng, gây sự tò mò, thích thú mà khích lệ khám phá cho du khách. Các không gian chức năng được bố cục khá phong phú trải dài trên diện tích lớn của mặt bằng tạo ra các tuyến tham quan chính là qui trình sản xuất ra sản phẩm và hàng hoá của các loại đá địa phương, đồng thời khéo léo kết hợp với các khu vực nghiên cứu, làm việc, hội thảo chuyên đề để tăng tính tương tác cho công trình. Tuy nhiên, nếu đồ án chú trọng nghiên cứu cách gia tăng diện tích cây xanh để trả lại một phần cảnh quan trên bề mặt mái và trong các không gian của công trình thì sẽ đem lại nhiều thiện cảm hơn.

4/ Đồ án NO-5: Khu ở Quang Trung

Đồ án hình thành từ việc giải tỏa một khu nhà cũ với chợ tự phát để hình thành 1 chung cư cao tầng với ý tưởng hình khối khá tốt, các loggia, balcon đưa ra thụt vào tạo hiệu ứng bóng đổ đẹp kết hợp với cây xanh; mái công trình tạo dốc truyền thống có phối hợp đan xen nhiều block nhà với nhau khiến công trình mang một vẻ tươi mát, hiện đại nhưng vẫn giữ được đường nét truyền thống của nhà Việt Nam. Đồ án thể hiện khá tốt, trình bày mạch lạc, ấn tượng với các góc nhìn đẹp. Tuy nhiên, về mặt công năng thì đồ án còn một số hạn chế như: Khu thương mại để thay thế chợ tự phát hiện hữu chưa được nghiên cứu đến dù được nhắc đến trong phần đầu của đồ án, còn nhiều không gian bỏ trống tại tầng 1 chưa được khai thác; Các Block nhà quá gần nhau nên giảm giá trị về tầm nhìn ra ngoài cho các căn hộ nằm phía trong, đối diện với các căn hộ ở block bên cạnh; Đồ án chưa nghiên cứu đến vấn đề thu gom rác thải tại tầng hầm, cũng là 1 vấn đề khá quan trọng cần chú ý khi thiết kế chung cư.

5/ Đồ án NT-10: Nhà hàng Ái Cơ

Tác giả chọn phong cách Trung Hoa đương đại là phù hợp đối với 1 nhà hàng ăn người Hoa. Ngay từ mặt đứng lối vào cũng như sảnh đón đã tạo ấn tượng với nét truyền thống được đơn giản hóa, sử dụng màu sắc tương phản mạnh kết hợp với thiết kế chiếu sáng khá tốt làm toát lên sự mạnh mẽ, phóng khoáng của phong cách đương đại dù đang pha trộng với các chi tiết truyền thống Trung Hoa.

Các không gian ẩm thực bên trong được thiết kế khá chăm chút với nhiều chi tiết tinh tế, được nhấn mạnh với các thủ pháp chiếu sáng tập trung vào một vài điểm cần thiết tạo cảm giác  ấn tượng cho thực khách. Tuy nhiên càng vào bên trong, lên tầng 2 tác giả hơi tham các chi tiết truyền thống khiến các nét đương đại giảm dần, không gian trở nên nặng về phong cách truyền thống Trung Hoa hơn. Nếu giữ được nét đương đại như ở sảnh thì đồ án sẽ tốt hơn.

Việc bố trí nhiều bàn chữ nhật hơn bàn tròn khiến đồ án đánh mất nét đặc trưng của nhà hàng Trung Hoa là bàn ăn tròn với mâm xoay, 1 nét truyền thống cần được giữ lại. Lối giao thông từ sảnh vào để đến cầu thang lên tầng 2 hơi phức tạp khó sử dụng. Ngoài ra, đồ án chưa tìm tòi được các nét mới, hay sáng tạo vượt trội hơn để có thể dành được giải Nhất.

6/ Đồ án CC62-Trung tâm chế tác và trưng bầy đèn lồng hội An

Đồ án kế thừa và phát huy tốt các yếu tố liên quan đến vật liệu, đặc điểm kiến trúc địa phương, tạo ra các tương tác hiệu quả giữa truyền thống và hiện đại. Tác giả đã khai thác và kiểm soát tốt các góc nhìn, từ đó, tạo ra các tuyến dẫn hướng từ các khu vực đô thị vào công trình.

Các giải pháp cắt khối theo trục cảnh quan, đẩy khối cao thấp, gọt vát các cạnh, mái, đan xen không gian và nhấn cảnh quan, kết hợp sử dụng vật liệu truyền thống địa phương (tre, lá tranh, đá xám, gỗ) đã tạo nên một tổ hợp công trình ấn tượng. Bố cục tổng mặt bằng và các mặt đứng trình bày hấp dẫn, tạo ra các chuyển động về không gian rất phong phú, thu hút các hướng nhìn vào công trình hiệu quả. Tuy nhiên, phần nghiên cứu các nội dung hoạt động cũng như tổ chức không gian nội thất của đồ án còn hạn chế.

7/ Đồ án QĐ16-Tống duy Tân

Đồ án giải quyết vấn đề mang tính xã hội của khu vực đô thị lõi lịch sử: cải tạo, nâng cấp một cụm dân cư gắn với gia tăng các tiện ích sinh hoạt, gia tăng không gian công cộng đô thị. Thiết kế tôn trọng cấu trúc đô thị cũng như tỷ lệ kiến trúc của khu vực. Các giải pháp thiết kế hướng đến tạo lập một không gian đa năng, linh hoạt đáp ứng nhiều mục đích sử dụng hàng ngày cho những ngôi nhà phố chật hẹp đang rất hạn chế về diện tích sử dụng cũng như tiện nghi sinh hoạt. Đồ án đồng thời quan tâm đến việc tăng cường các không gian công cộng, bổ sung các không gian dịch vụ mới, không gian đỗ xe cho cư dân tại chỗ và khách. Từ đó, tạo ra một điểm đến hấp dẫn trong khu vực nội đô lịch sử.

 

Tuyển tập các đồ án tham dự Giải thưởng Loa Thành 2021 chuyên ngành Kiến trúc – Quy hoạch xem tại Đây

 

Kim Anh – Viện Kiến trúc.

Nguồn: Vienkientruc.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *