Nền kiến trúc truyền thống Việt Nam đã để lại một kho di sản phong phú với những đền đài, cung điện, thành quách, nhà ở, đình chùa… nhờ bàn tay khéo léo của những nghệ nhân tài hoa. Các tác phẩm kiến trúc được hình thành từ những suy tư nghệ thuật, những kinh nghiệm tích lũy đời này qua đời khác. Đặc điểm bao quát của sáng tạo kiến trúc thời kỳ này là các công trình xây dựng không có bản vẽ.
Kiến trúc mới Việt Nam tiếp thu phương pháp sáng tạo của nền kiến trúc hiện đại phương Tây tức kiến trúc có bản vẽ đã mở ra giai đoạn mới của kiến trúc Việt Nam với tư duy sáng tạo mới, phương pháp thiết kế mới và đã làm nên những tác phẩm kiến trúc mới. Gắn với sự hình thành nền kiến trúc mới Việt Nam là những kiến trúc sư – người nghệ sĩ được đào tạo theo phương pháp của phương Tây tại trường Mỹ thuật Đông Dương.
Tập sách này ghi chép sự hình thành lớp kiến trúc sư đầu tiên cùng những đóng góp của họ cho giai đoạn mới của nghề nghiệp kiến trúc ở nước ta. Mục tiêu cao nhất của cuốn sách là con người nghệ sĩ tức kiến trúc sư và giai đoạn mới của sự phát triển nghề nghiệp kiến trúc, họ xứng đáng được vinh danh: Những nghệ sĩ lớp đầu của nền kiến trúc mới Việt Nam.
Các KTS dự hội nghị KTS Việt Nam lần thứ II, ngày 26,27 – 4 – 1975
THẾ HỆ KIẾN TRÚC SƯ ĐẦU TIÊN, BỐI CẢNH XÃ HỘI VÀ SỰ HÌNH THÀNH
Vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, xã hội Việt Nam và nền văn hóa Việt Nam có những chuyển biến quan trọng. Lúc này châu Âu mới thoát ra khỏi cuộc chiến tranh thế giới lần I (1914-1918) và nền kinh tế của nước Pháp bị tàn phá nặng nề. Để khắc phục hậu quả chiến tranh và củng cố địa vị trên thế giới, thực dân Pháp chủ trương đẩy mạnh đầu tư và khai thác thuộc địa Đông Dương. Từ năm 1920 Pháp triển khai chương trình “khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương” với tốc độ và quy mô gấp nhiều lần so với thời kỳ trước. Một dự luật về “khai thác các thuộc địa sau chiến tranh” được thông qua đã thúc đẩy giới tư bản Pháp tăng cường đầu tư vào các nước Đông Dương. Điều này đã dẫn tới nhiều biến đổi về kinh tế và xã hội ở nước ta, bên cạnh các quan hệ kinh tế – xã hội truyền thống đã xuất hiện các yếu tố kinh tế – xã hội mang tính tư bản được du nhập từ Châu Âu, kết quả là xã hội Việt Nam mang đầy đủ tính chất của một xã hội thuộc địa – nửa phong kiến.
Tham vọng khai thác thuộc địa không chỉ dừng ở việc bóc lột tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ mạt mà còn cả ở việc huy động nhân lực có học vấn, được đào tạo nghề nghiệp để phục vụ cho các bộ máy của chính quyền thực dân. Từ đó nền giáo dục phổ thông, dạy nghề, cao đẳng kỹ thuật… đã dần được triển khai. Nha học chính Đông Dương lập vào năm 1906 đã định ra ba bậc học cơ sở là ấu học (ở thôn xã), tiểu học (ở phủ huyện) và trung học (ở các tỉnh). Một số trường cao đẳng được thành lập và đến năm 1908 thì mở ra Trường Đại học Đông Dương. Nền văn hóa Pháp qua đó được chuyển hóa vào Việt Nam đã tạo nên sự tiếp xúc giữa văn hóa truyền thống nước ta với văn hóa hiện đại phương Tây. Người Pháp cũng chủ trương tìm hiểu nền văn hóa nghệ thuật các nước thuộc địa để dễ cai trị, họ lập nên Trường Viễn Đông Pháp (Ecole Franỗaise d’ Extrême – Orient, EFEO, thường được gọi là Viện Viễn Đông Bác Cổ) năm 1901 tại Hà Nội trên cơ sở của Hội Khảo cổ học Đông Dương đã có ở Sài Gòn từ năm 1898.
Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây ở Việt Nam được thể hiện rõ nhất tại các đô thị và trước tiên là các đô thị lớn như Hà Nội và Sài Gòn. Tại đây, bên cạnh những cấu trúc đô thị truyền thống, những “khu phố Ta” đã thấy có những “khu phố Tây” với những cách thức về xây dựng đô thị của châu Âu đã được đưa vào Việt Nam. Tại những không gian đô thị mới này đã mọc lên sừng sững những tòa nhà uy nghi của chính quyền thực dân như để chứng tỏ sự hiện diện của một thế lực đang áp đặt lên xã hội thuộc địa. Chính quyền thực dân đã cử những kiến trúc sư người Pháp có năng lực để thực hiện những công trình này và họ đã mang được nhiều nét tinh hoa văn hóa và kiến trúc Pháp đã rất phát triển tới những đô thị này. Đó là các kiến trúc như Dinh thống sứ Bắc Kỳ (nay là nhà khách chính phủ), Tòa án tối cao, Phủ toàn quyền… ở Hà Nội hoặc Tòa Đốc lý Sài Gòn – Chợ Lớn, Dinh Gia Long (Dinh Phó toàn quyền), Dinh Norodom… ở Sài Gòn. Vượt lên trên những mưu đồ bóc lột và nô dịch của chủ nghĩa thực dân, nhiều nghệ sĩ – kiến trúc sư người Pháp đã có những đóng góp đáng kể cho sư tiếp xúc và hòa hợp của hai nền văn hóa Đông – Tây với những kiến trúc có sự kết hợp những yếu tố của hai nền văn hóa này, đó là những công trình như Nhà bảo tàng của Viện Viễn Đông Bác Cổ (nay là Bảo tàng lịch sử), Nhà thờ Cửa Bắc, trụ sở Sở Tài chính (nay là trụ sở Bộ Ngoại giao), tòa nhà của trường Đại học Đông Dương (nay là Đại học Dược)…
Một sự kiện có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự tiếp xúc văn hóa Đông Tây trên đất Việt Nam lúc này chính là việc thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương trong khuôn khổ của Đại học Đông Dương.
Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (l’École supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine) tên chính thức là: Trường Cao đẳng Mỹ thuật thuộc Đại học Đông Dương (l’École supérieure des Beaux-Arts de l’Université indochinoise), cũng thường được gọi tắt là Trường Mỹ thuật Đông Dương (l’École des Beaux-Arts de l’Indochine). Trường được xây dựng để đào tạo các bộ môn học về mỹ thuật: hội họa, điêu khắc, trang trí và kiến trúc, thời gian đào tạo là 5 năm và trước đó là một khóa học dự bị.
Trường Mỹ thuật Đông Dương được đặt tại Hà Nội khi đó là thủ đô chính trị của toàn xứ Đông Dương với mong muốn tạo ra ảnh hưởng mỹ thuật đến các xứ “An Nam” khi đó gồm “Bắc kỳ”, “Trung kỳ”, “Nam kỳ”.
Ông Victor Tardieu họa sĩ Pháp là người sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1925, ông từng đoạt “Giải thưởng Đông Dương” vào năm 1920, giải thưởng của Hội các nghệ sĩ Pháp ở thuộc địa (Société coloniale des Artistes franỗais) dành cho những nghệ sĩ có các Triển lãm Paris (Salon de Paris), gồm một chuyến du lịch từ Paris đến các nước thuộc địa và tất cả các địa điểm trên xứ sở Đông Dương.
Do ngẫu nhiên, ngay khi đến Hà Nội Victor Tardieu đã nhận được một hợp đồng quan trọng, đó là trang trí cho Trường Đại học Đông Dương bằng một bức tranh tường khổ lớn. Vì thế ông đã có điều kiện kéo dài thời gian lưu trú tại bán đảo xa xôi này. Tại đây trong thời gian làm việc, Victor Tardieu thường có nhiều dịp tiếp xúc với các nghệ sĩ bản sứ luôn khao khát đổi mới truyền thống mỹ nghệ của dân tộc mình cũng như muốn tìm đến một hướng phát triển mỹ thuật mới theo kiểu phương Tây. Năm 1923 họa sĩ Nam Sơn gặp và làm việc cùng họa sĩ Victor Tardieu chuẩn bị cho việc thành lập trường Mỹ Thuật Đông Dương theo quyết định của Toàn quyền Đông Dương V. Merlin (ngày 27-10-1924), như vậy cùng với V.Tardieu, ông là người đồng sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông được cử sang Paris tu nghiệp và đến tháng 10-1925 trở về Hà Nội tổ chức tuyển sinh và làm trợ giảng khóa học đầu tiên. Từ năm 1927 đến 1945 ông là giáo sư giảng dạy tại đây.
Xuất phát từ ý định mở mang nền mỹ thuật bản địa, hai ông đã vận động chính phủ Pháp và chính quyền thuộc địa Pháp ở xứ Đông Dương lập ra một trường mỹ thuật. Victor Tardieu là một nghệ sĩ có tư tưởng tiến bộ, vượt ra khỏi quan điểm hẹp hòi của chủ nghĩa thực dân và trong suốt 12 năm làm hiệu trưởng (1925-1937) ông đã xây dựng trường thành một trung tâm đào tạo các họa sĩ, các nhà điêu khắc và các kiến trúc sư Việt Nam, được học theo chương trình của các trường nghệ thuật phương tây. Tháng 11 năm 1925 trường khai giảng khóa đầu (1925-1930) với 12 sinh viên trong đó 10 sinh viên học hội họa và 2 sinh viên học kiến trúc. Trong thời gian từ 1925-1945, nhà trường đã tổ chức được 14 khóa học, đã đào tạo gần 150 sinh viên các ngành mỹ thuật và kiến trúc có trình độ vững vàng, được học tập theo chương trình giảng dạy và phương pháp đào tạo khoa học của các trường mỹ thuật và kiến trúc ở Pháp.
Sự kiện mở ra trường Mỹ Thuật Đông Dương đã tạo một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử mỹ thuật cận – hiện đại Việt Nam cũng như góp phần tạo nên một nền kiến trúc mới Việt Nam. Nằm trong khuôn khổ của những ý đồ “khai hóa thuộc địa” của chủ nghĩa thực dân thì không tránh khỏi trong quan điểm đào tạo có những ý tưởng thiên về thực dụng, chỉ đào tạo những nghệ nhân làm hàng mỹ nghệ chứ không phải những nghệ sĩ có năng lực sáng tạo. Điều này gây phản ứng ở nhiều người và không phải không có lúc nhà trường có nguy cơ bị đóng cửa. Vì thế rất cần ghi nhận người có công dẫn dắt nhà trường hướng tới việc đào tạo các nghệ sĩ sáng tạo chính là ông hiệu trưởng Victor Tardieu, với sự cộng tác của họa sĩ Nam Sơn đã kiên định quan điểm cho rằng người bản xứ hoàn toàn có khả năng được đào tạo để trở thành những nghệ sĩ tạo hình chân chính.
Kiến trúc là một khoa của Trường Mỹ thuật Đông Dương, số sinh viên học kiến trúc trong những khóa đầu chỉ có hai người, các khóa sau tăng lên bốn đến năm người. Số người theo học qua 20 năm đào tạo khoảng năm chục người. Phần lớn theo học hết chương trình trong thời gian 5 năm, đã làm đồ án tốt nghiệp và được cấp bằng kiến trúc sư. Một vài khóa cuối, học chưa hết khóa thì đất nước có chiến tranh, việc học bị ngưng trệ nhưng sau đó đã được bổ sung (ở vùng kháng chiến Việt Bắc, ở thủ đô Paris của nước Pháp hoặc ở Sài Gòn về sau). Hầu hết họ đã trở thành người làm nghề và có nhiều đóng góp cho nền kiến trúc mới Việt Nam. Do bối cảnh xã hội nhiều biến động, việc đào tạo và làm đồ án tốt nghiệp ở mỗi nơi có khác nhau, nên với mỗi người thì quá trình được đào tạo có thể không đồng nhất. Mặc dù vậy, bất kể nguồn đào tạo ra sao, một khi người học đã tiếp nhận được những kiến thức làm nghề của kiến trúc hiện đại phương Tây và có đóng góp nhất định cho sự phát triển nền kiến trúc mới Việt Nam, họ đều xứng đáng được giới nghề tôn vinh.
Tháng 12 năm 1943, lực lượng đồng minh thuộc quân đội Mỹ trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai ném bom xuống Hà Nội, theo chủ trương của Nha học chính Đông Dương, các trường học phải sơ tán khỏi Hà Nội. Trường Mỹ thuật đã chia thành ba bộ phận sơ tán ở ba nơi:
– Các lớp mỹ nghệ sơ tán về Phủ Lý, do Georges Khánh và Bùi Tường Viên phụ trách.
– Khoa kiến trúc và một phần lớn lớp điêu khắc vào Đà Lạt, do Jonchère (hiệu trưởng từ 1938 thay thế ông Tardieu mất năm 1937) phụ trách.
– Khoa hội họa và một phần nhỏ lớp điêu khắc lên Sơn Tây, do giáo sư Inguimberty cùng các họa sĩ Nam Sơn và Tô Ngọc Vân phụ trách.
Sau cuộc đảo chính của Nhật hất cẳng Pháp khỏi xứ Đông Dương ngày 9 tháng 3 năm 1945, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã giải thể, các khóa học từ năm 1942 trở đi đã không có điều kiện tiếp tục việc học tập ở trường này. Mỗi người tùy hoàn cảnh đã đi theo những con đường riêng để phát triển. Một số đi phục vụ kháng chiến, sau được học thêm ở Việt Bắc trong các lớp học đặc biệt do các kiến trúc sư lớp trước hướng dẫn, và họ đã được cấp giấy chứng nhận có trình độ kiến trúc sư, đó là trường hợp của các ông Dương Hy Chấn, Đàm Trung Lãng, Đàm Trung Phường, Vương Quốc Mỹ; một số đã sang Pháp tiếp tục học tập và tốt nghiệp kiến trúc sư ở Paris, đó là trường hợp của các ông Huỳnh Kim Mãng, Phạm Văn Thâng, Nguyễn Quang Nhạc, Ngô Viết Thụ, Võ Thành Nghĩa…, một số không có điều kiện học tiếp như Võ Văn Tỷ, Nguyễn Sanh Kha… Cũng có người đến sau năm 1954 mới hoàn thành việc học để trở thành kiến trúc sư tại trường Cao Đẳng Kiến trúc Sài Gòn như các kiến trúc sư Võ Minh Nghiệm, Nguyễn Bá Lăng.
HOẠT ĐỘNG SÁNG TÁC CỦA THẾ HỆ KIẾN TRÚC SƯ ĐẦU TIÊN
Những kiến thức nghề nghiệp được nhà trường trang bị đã mở ra chân trời mới cho hoạt động sáng tạo của lớp thanh niên nghệ sĩ Việt Nam vốn có mong muốn đem sức mình tạo dựng những kiến trúc trên đất nước mình. Không chỉ là học nghề để kiếm sống, họ hiểu rõ đất nước còn trong vòng nô lệ, cuộc sống người dân còn chịu bao thiếu thốn và đang đòi hỏi những bàn tay tài năng chăm lo việc xây cất nhà cửa cho họ. Học nghề và làm nghề lúc đó không thể tính đến việc cạnh tranh làm các công trình lớn, đặc biệt là các công trình của nhà nước thực dân vốn chỉ dành riêng cho những kiến trúc sư người Pháp từ “chính quốc” sang. Nhưng nhiệt huyết làm nghề thôi thúc nên ngay từ lúc còn trên ghế nhà trường, nhiều người đã bằng cách này hay cách khác có được những sáng tạo kiến trúc thể hiện tinh thần tìm về nền kiến trúc dân tộc. Nhiều người đã biết đến công trình biệt thự số 84 phố Nguyễn Du thể hiện được tinh thần đó, là tác phẩm của sinh viên năm thứ ba, ông Ngô Huy Quỳnh vào lúc độ tuổi mới ngoài 20, sinh viên của khóa học 1938-1943.
Nhiều kiến trúc sư các khóa học trước đi vào nghề đã chứng tỏ bản lĩnh nghề nghiệp của mình. Rất nổi trội vào thời kỳ này phải kể đến bộ ba kiến trúc sư đã mở “Văn phòng Kiến trúc Luyện – Tiếp – Đức” và đã đóng góp cho xã hội nhiều công trình đáng ghi nhận. Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện học rất giỏi, đỗ đầu khóa 1928-1933 được học bổng đi tu nghiệp tại Pháp (thực tập tại nơi có những tài năng lớn của kiến trúc Pháp như Le Corbusier, Auguste Perret). Ra nghề không làm việc cho chính quyền thực dân mà mở phòng tư với các bạn cùng học, kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp cùng khóa và kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức học khóa sau. Mỗi người đều đã có sáng tác để lại nhiều ấn tượng tốt (Nguyễn Cao Luyện có các công trình 65 Lý Thường Kiệt, 77 Nguyễn Thái Học, 14 Phạm Đình Hồ, 7 Thuyền Quang… Hoàng Như Tiếp có biệt thự đường Ngọc Hà, Nguyễn Gia Đức có biệt thự phố Nguyễn Thái Học…) nhưng công trình mang tính khoa học của bộ ba này mang tên “nhà ánh sáng” (kiểu nhà ở bình dân không đắt tiền nhưng có môi trường ở tiện nghi, nhiều ánh sáng…) đã làm cho các ông được cảm phục nhờ tính nhân văn của người nghệ sĩ, hướng nghề nghiệp vào việc phục vụ đời sống nhân dân.
Cũng với tinh thần đóng góp cho nền kiến trúc dân tộc những tác phẩm có bản sắc Việt Nam, nhiều kiến trúc sư được đào tạo ở những khóa đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương cũng để lại những công trình được ghi nhận như: biệt thự 28 Hàng Chuối, biệt thự đường Hùng Vương của Tạ Mỹ Duật, nhà Thủy Tạ trên hồ Hoàn Kiếm của Võ Đức Diên và Lê Xuân Tùng, biệt thự bác sĩ Trần Văn Chương ở Sài Gòn của Hoàng Hùng, một số biệt thự ở Đà Lạt của Phạm Nguyên Mậu… Ngay trước khi nổ ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp phải chia tay chốn thị thành để ra đi các chiến khu, các vùng bưng biền phục vụ cách mạng, các kiến trúc sư đầy sức trẻ và tài năng cũng đã đóng góp cho cách mạng những công trình thật sự có ý nghĩa. Đó là kỳ đài cao 15 mét được xây dựng giữa đô thành Sài Gòn vào ngày 25/8/1945 phục vụ mít tinh chào mừng Cách mạng tháng Tám do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (lúc đó 32 tuổi) thiết kế và tạo dựng, còn ở thủ đô Hà Nội người dân được chứng kiến Lễ đài Độc Lập ở Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập vào ngày 2/9/1945 khai sinh Nhà nước Dân chủ Cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á, công trình do nhà kiến trúc trẻ Ngô Huy Quỳnh thiết kế và chỉ huy việc xây dựng lúc ông 25 tuổi.
Bước vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, các kiến trúc sư đã tốt nghiệp hay còn dang dở của trường Mỹ thuật Đông Dương phân tán khắp nơi, một số ra các tỉnh vùng tự do, một số ở lại trong vùng địch tạm chiếm, một số ra nước ngoài. Số kiến trúc sư ra vùng tự do tập trung ở Khu IV và Việt Bắc hoạt động ở phòng kiến trúc các liên khu và đã thành lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam tại thôn Thản Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên ngày 27/4/1948 (việc này đã dự định từ năm 1946 ở Hà Nội nhưng vì chiến tranh phải ngừng lại).
Trong kháng chiến chống Pháp việc xây dựng chủ yếu bằng tre, nứa, lá, những vật liệu gạch, gỗ, đá được sử dụng rất ít. Cuộc sống mới yêu cầu những loại hình kiến trúc mới như hội trường, những nhà ăn tập thể, những trụ sở ủy ban, những “tòa đại sứ”, những chòi phát thanh… và các kiến trúc sư đã đáp ứng những yêu cầu đa dạng của cuộc kháng chiến với tất cả khả năng của mình. Bằng vật liệu truyền thống, thô sơ, họ đã tạo nên những công trình chứa hàng trăm người cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, Đại hội mặt trận Liên Việt, Đại hội Văn nghệ toàn quốc, Đại hội Thi đua toàn quốc, Đại hội Công binh toàn quốc… Những công trình này có đường nét kiến trúc giản dị, ẩn mình trong rừng cây Việt Bắc, cấu tạo theo kỹ thuật truyền thống được gia công kỹ lưỡng, đã phục vụ đắc lực cho nhiều yêu cầu hoạt động của chính quyền non trẻ.
Trong khi đó ở Sài Gòn, kiến trúc sư đỗ đầu khóa học 1933-1938 là Huỳnh Tấn Phát, tuy đã có điều kiện làm nghề (mở văn phòng kiến trúc sư ở nhà 68-70 đường Mayer nay là Võ Thị Sáu được tín nhiệm và có nhiều khách hàng) nhưng trước đòi hỏi của cách mạng, đã không do dự quên mình vì nghĩa lớn. Ông sáng lập phong trào Thanh niên Tiền phong ở Sài Gòn – Chợ Lớn, một số tỉnh Nam Kỳ và nam Trung Kỳ nổi lên cướp chính quyền làm Cách mạng tháng Tám và kháng chiến bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Sau năm 1954 đất nước chia hai miền, ông được phân công hoạt động bí mật ở Sài Gòn trong vẻ bề ngoài làm việc tại văn phòng kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện và cũng đã có nhiều thiết kế có giá trị. Rồi trong cương vị Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với bề bộn công việc lãnh đạo, ông vẫn dành nhiều thời gian cho kiến trúc, trực tiếp vẽ kiểu hoặc chỉ đạo xây dựng các công trình của Mặt trận, trong đó có Hội trường để phục vụ đại hội Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam ở Lò Gò, phác thảo phương án quy hoạch thủ phủ tạm thời của Chính phủ Cách mạng ở Lộc Ninh…
Hiệp định Geneve 1954 lập lại hòa bình ở Việt Nam, đất nước bị chia cắt thành hai miền tạo những bối cảnh kinh tế xã hội khác nhau đối với hoạt động kiến trúc. Khung cảnh hòa bình xây dựng đất nước ở miền Bắc, xóa dần vết thương chiến tranh và phát triển kinh tế để tiến tới một xã hội phồn vinh trong sự giúp đỡ chí tình của các nước XHCN khi đó là mảnh đất thuận lợi cho những sáng tạo kiến trúc.
Thủ đô Hà Nội được giải phóng đã tưng bừng đón đoàn quân chiến thắng trở về, gấp rút chuẩn bị cho cuộc đại lễ đón chào Bác Hồ, Đảng và Chính phủ. Địa điểm tiến hành lễ nghi này cũng chính là quảng trường Ba Đình, nơi mà 9 năm trước từng có lễ đài Độc Lập. Việc xây dựng công trình phục vụ đại lễ được giao cho KTS Nguyễn Văn Ninh gồm hai công trình là Lễ đài và Đài liệt sĩ. Trong thời gian rất ngắn, với vật liệu chủ yếu bằng gỗ, hai công trình đã được tạo dựng theo đường nét kiến trúc dân tộc rất bề thế và hoành tráng. Cũng với tinh thần phải làm gấp rút cho những hoạt động của thủ đô mới giải phóng, một nhà hát và sân khấu ngoài trời cũng bằng gỗ đã nhanh chóng được xây dựng đủ chỗ cho 3000 người, đó là Nhà hát Nhân dân theo thiết kế của KTS Nguyễn Cao Luyện.
Bước vào những năm 60 cho tới ngày đất nước thống nhất, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tiến hành ở miền Bắc đòi hỏi những cố gắng lớn lao để xây dựng một hệ thống hạ tầng cho xã hội mới, các nghệ sĩ – kiến trúc sư lúc này đứng trước những nhiệm vụ cực kỳ to lớn và họ đã hết sức nỗ lực cho sự nghiệp đó.
Hội nghị toàn quốc các kiến trúc sư lần thứ II vào năm 1957 là dịp để tập hợp lực lượng sau 9 năm kháng chiến giữa các KTS từ chiến khu về và các KTS trong Hà Nội bị tạm chiếm. Nhiệm vụ to lớn nhưng lực lượng tập hợp lại cũng chẳng lớn lao gì, tất cả chỉ có 20 người. Họ làm việc trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương (Bộ Kiến trúc – Thủy lợi về sau là Bộ Xây dựng) và ở Hà Nội (Sở Xây dựng). Về chuyên môn ở Bộ có 2 cơ quan là Cục Thiết kế Dân dụng (về sau là Viện Thiết kế Kiến trúc) và Cục Đô thị – Nông thôn (sau là Viện quy hoạch Đô thị và Nông thôn). Những KTS có năng lực nhất làm việc ở đây đã là trụ cột của hoạt động kiến trúc thời kỳ này.
Cơ quan Chính phủ từ vùng kháng chiến về lại thủ đô tất yếu phải có chỗ làm việc, các KTS đã thiết kế nhiều trụ sở cơ quan làm việc. Khởi đầu là trụ sở Bộ kiến trúc ở Vân Hồ do KTS Nguyễn Ngọc Chân thực hiện. Công trình có hình khối chắc, khỏe nhìn về phía công viên Thống Nhất đánh dấu bước phát triển mới khu vực phía Nam của Hà Nội. Cùng với nhiều trụ sở cơ quan khác, công trình có kiến trúc gây ấn tượng vào lúc này là trụ sở Tổng cục Thống kê (gắn với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước) do KTS Đoàn Văn Minh thiết kế. Công trình có vị trí đẹp góc phố Hoàng Diệu và Hoàng Văn Thụ đã được tác giả khai thác khéo léo với mặt nhà cong như để ôm lấy một quảng trường trong tương lai. Tầng một là tầng đế vững chắc cho các tầng trên với các trụ giả suốt ba tầng tạo vẻ hoành tráng theo phong cách kiến trúc cổ điển (phương Tây). Cũng ở khu Vân Hồ và nằm không xa trụ sở Bộ kiến trúc còn có tòa nhà dùng làm trụ sở Liên cơ quan của Hà Nội do KTS Nguyễn Ngọc Ngoạn thiết kế cũng tạo được một hình ảnh kiến trúc bề thế và nhẹ nhõm.
Kiến trúc trường học cũng là đòi hỏi lớn vào thời gian này. Ngoài một số trường đã có cơ sở cũ thì nhiều trường mới thành lập phải xây dựng cơ sở mới. Gây ấn tượng mạnh về kiến trúc trường học thời kỳ này phải kể đến công trình Học viện thủy lợi, một quần thể kiến trúc lớn trên một khu đất rộng mà tác giả thiết kế là KTS Đoàn Văn Minh, thêm một lần nữa chứng tỏ tài năng kiến trúc của mình. Mặt chính tổng thể kiến trúc dàn ra cả một đoạn phố, chính giữa được nhấn mạnh bằng khối cao gắn bó chặt chẽ với các khối bên theo một tỷ lệ và nhịp điệu hài hòa. Cũng nằm trên một không gian bề thế về phía Tây của thủ đô, kiến trúc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc do KTS Nguyễn Ngọc Chân thiết kế cũng gây được ấn tượng tốt bởi tính trang nghiêm và không kém phần trong sáng của tổng thể kiến trúc mà trung tâm là khối nhà Hội trường đặt trước một không gian quảng trường ấm cúng. Đóng góp cho thể loại kiến trúc trường học còn phải kể đến công trình của trường Đại học Thương nghiệp là sáng tác của KTS Tạ Mỹ Duật với nhiều nét nhẹ nhàng, thanh thoát có phong cách mới mẻ.
Kiến trúc các công trình công cộng xây dựng vào thời kỳ này được xem là đóng góp vô cùng quan trọng của bàn tay các nghệ sĩ lớp đầu của nền kiến trúc mới Việt Nam. Có ý nghĩa lớn về chính trị và xã hội phải kể đến công trình Hội trường Ba Đình được sử dụng làm nơi họp Quốc hội và các hội nghị lớn của Đảng và Nhà nước, trong lúc chưa xây dựng được trụ sở chính thức của Quốc hội. Các tác giả thiết kế là KTS Trần Hữu Tiềm và KTS Nguyễn Cao Luyện (khi đó ông là thứ trưởng Bộ Kiến trúc có vai trò chỉ đạo). Việc xác định địa điểm xây dựng dựa theo phác thảo nhanh về quy hoạch khu Ba Đình của KTS Ngô Huy Quỳnh (với ý tưởng gắn kết hội trường với trụ sở của các bộ kề bên). Vào lúc mà điều kiện đầu tư xây dựng rất hạn hẹp và phải làm nhanh để sớm phục vụ, các tác giả đã phải vượt qua nhiều khó khăn để làm nên một kiến trúc có quy mô khá lớn vào lúc đó.
Nằm ở vị trí đối diện với Hội trường Ba Đình, quần thể kiến trúc gắn với vị Chủ tịch nước, Bác Hồ kính yêu không chỉ thể hiện lòng tôn kính vô hạn của toàn Đảng toàn dân đối với Người mà còn là tâm huyết cháy bỏng của các nghệ sĩ kiến trúc mong được đóng góp sức mình vào sự nghiệp cao cả này. Có vinh dự hàng đầu phải kể đến bậc nghệ sĩ lão thành KTS Nguyễn Văn Ninh đã được giao nhiệm vụ sáng tác ngôi nhà bằng gỗ dạng nhà sàn làm nơi ở và làm việc của Bác. Công trình giản dị như chính cuộc đời của Bác nay đã trở thành vật lưu niệm linh thiêng về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Việc thiết kế công trình Lăng Bác Hồ được các chuyên gia Liên Xô, nơi có nhiều kinh nghiệm làm loại công trình vô cùng đặc biệt này giúp đỡ, đã có sự phối hợp của các KTS hàng đầu của thế hệ này trong quá trình phác thảo tìm ý cũng như quá trình hoàn thiện. Không thể không nói đến sự đóng góp của các KTS Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Ngọc Chân, Hoàng Như Tiếp, Vương Quốc Mỹ cùng nhiều KTS khác.
Một tác phẩm kiến trúc công cộng khác được đánh giá cao vào thời kỳ này là nhà Bảo tàng Việt Bắc ở Thái Nguyên, công trình do nghệ sĩ tài hoa KTS Hoàng Như Tiếp thiết kế. Công trình có diện tích tới 2000m2 với 5 khối trưng bày được liên kết khéo léo bằng hành lang và tiền sảnh, có những sân trong làm vườn cảnh rất sinh động. Tác phẩm được đánh giá là thành công trong sự hài hòa giữa tính hiện đại và tính dân tộc.
Tại thành phố Nam Định lại có một tác phẩm kiến trúc rất độc đáo, đó là công trình Bảo tàng Cổ vật mà tư duy sáng tạo của KTS Nguyễn Cao Luyện dường như có phần “đi trước thời gian” nên đã không được chấp nhận ngay khi nó xuất hiện. Kiến trúc này được xem là thuộc “phong cách biểu hiện” mà thế giới đã làm nhiều nhưng ở nước ta mới có lần đầu. Tinh thần đổi mới phong cách kiến trúc của vị nghệ sĩ lão thành đã là tấm gương để nhiều nghệ sĩ trẻ học tập.
Cùng với những đóng góp về kiến trúc công trình như nêu trên thì về mặt quy hoạch đô thị các KTS lớp đầu này cũng có những đóng góp không nhỏ. Được chuyên gia các nước bạn XHCN khi đó giúp đỡ, việc lập quy hoạch các đô thị được triển khai mạnh, trước tiên là thủ đô Hà Nội. KTS Ngô Huy Quỳnh đã có nhiều năm học tập ở Liên Xô, nay cùng với các chuyên gia LX tạo bước khởi đầu về nghiên cứu quy hoạch của đô thị quan trọng nhất của cả nước này. Sau thủ đô nhiều thành phố công nghiệp mới cũng đã được làm quy hoạch như các thành phố Thái Nguyên, Việt Trì, Vinh… với công sức đóng góp của các KTS Đàm Trung Phường, Khổng Toán. Ở cương vị lãnh đạo cơ quan chuyên môn QHĐT, KTS Hoàng Như Tiếp dành tâm huyết cho công việc này không chỉ ở việc chuyên môn cụ thể mà ở cả tầm nhìn chiến lược đối với ngành khoa học mới mẻ này. Cũng như vậy KTS Tạ Mỹ Duật khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo cơ quan QH của Hà Nội cũng đã có nhiều đóng góp lớn lao trong việc triển khai công việc này trên địa bàn thủ đô.
Những bản phác thảo quy hoạch cho các đô thị nêu trên đã có vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo và quản lý các hoạt động xây dựng tại các đô thị trong giai đoạn đầu của công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta. Rất nhiều khu công nghiệp đã hình thành theo quy hoạch, kèm theo đó là hệ thống giao thông, cầu cống, các hệ thống kỹ thuật cung cấp điện, cấp nước và thoát nước cho các khu đô thị mới phát triển. Nhiều khu dân cư được chỉnh trang có môi trường sống tốt hơn cùng với việc phát triển hệ thống hạ tầng xã hội về văn hóa, giáo dục, thương nghiệp, y tế…
Nhu cầu phát triển nhanh nhà ở cho cán bộ và nhân dân đòi hỏi việc xây dựng những khu ở tập trung tại các đô thị lớn Hà Nội, Hải Phòng, Vinh… Các KTS ở Cục Đô thị – Nông thôn với sự giúp đỡ của nước bạn đã lập quy hoạch các khu ở theo cấu trúc quy hoạch tiểu khu, tạo cơ sở cho việc hình thành các khu ở mới như Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ ở Hà Nội, An Dương ở Hải Phòng, Quang Trung ở Vinh.
Quy hoạch và kiến trúc các khu ở mới đã thể hiện mối quan tâm của xã hội tạo chỗ ở cho đông đảo người dân lao động. Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc xây dựng phải hết sức tiết kiệm nhưng các KTS đã hết sức cố gắng để kiến trúc có thể “đẹp trong điều kiện có thể” như là một phương châm cho việc thiết kế vào lúc đó. Hướng vào việc xây dựng kiểu công nghiệp hóa, nhà ở được thiết kế cho kỹ thuật nhà lắp ghép là loại kỹ thuật trước đây chưa từng làm, nhưng việc thiết kế đã vượt qua nhiều khó khăn, đã tạo dựng nhiều khu nhà ở tập thể đủ khang trang cho đông đảo người dân lao động ở các đô thị.
Những hoạt động nghề nghiệp nêu trên, tuy không phải là tất cả nhưng có thể xem là tiêu biểu cho sự nghiệp chuyên môn của lớp nghệ sĩ đầu tiên được tiếp thu cách làm nghề của phương Tây đã đóng góp cho nền kiến trúc mới Việt Nam.
Miền Nam nước ta vào lúc này đang tiếp tục sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc tiến tới thống nhất tổ quốc. Tại các thành thị, bộ máy chính quyền thực dân mong muốn duy trì vai trò thống trị dựa vào nguồn lực từ bên ngoài cũng tạo được khung cảnh yên ổn làm ăn cho người dân. Trên đất Sài Gòn mọc lên nhiều công trình mới và dần có bộ mặt kiến trúc mới, trong đó có sự đóng góp tài năng của nhiều KTS thuộc thế hệ đầu tiên này.
Lực lượng KTS ở miền Nam lúc này được tập hợp từ nhiều nguồn: một số người quê miền nam ra bắc học MTĐD đã tốt nghiệp hoặc đang học những năm cuối thì có chiến tranh đã sang Pháp học tiếp và tốt nghiệp ở đó, một số đến sau 1954 học tiếp và tốt nghiệp ở Sài Gòn. Một số người gốc ngoài bắc đã tốt nghiệp MTĐD đã di chuyển vào hoạt động ở trong nam khi đất nước bị chia cắt. Số học ở Pháp tại Beaux – Arts de Paris khi tốt nghiệp được nhận bằng của chính phủ Pháp (bằng DPLG, diplomé par le gouvernement).
Yêu cầu xây dựng ở Sài Gòn sau chiến tranh đã thúc đẩy hoạt động sáng tác kiến trúc và xây dựng khá sôi nổi từ sau năm 1954. Tham gia vào các hoạt động này là một đội ngũ kiến trúc Mỹ thuật Đông Dương khá đông đảo, gồm các kiến trúc sư từ Bắc vào lẫn kiến trúc sư gốc Nam Bộ từng theo học tại Hà Nội. Về sau còn tăng thêm các kiến trúc sư cựu sinh viên Mỹ Thuật Đông Dương rồi tiếp tục sang Pháp học ở trường Mỹ thuật Quốc gia Pháp.
Nổi bật nhất giữa trung tâm đô thành Sài Gòn là công trình Dinh Độc Lập do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế, được xây dựng trên nền móng của Dinh Norodom xưa (xây dựng vào năm 1868). Công trình có quy mô bề thế trên khuôn viên đất rộng 13 hecta, trên một trục không gian kéo dài qua đại lộ tới khu cây xanh lớn Thảo Cầm viên. Tác giả là người có quá trình đào tạo tốt, khởi đầu ở trường Mỹ thuật Đông Dương sau học tiếp và tốt nghiệp ở Beaux – Arts Paris, từng đoạt Giải Lớn Roma (Grand Prix de Rome, 1955). Ông cũng là tác giả của nhiều công trình kiến trúc được xã hội đánh giá cao như khu Đại học Thủ Đức, Đại học Nông – Lâm – Súc ở Thủ Đức, trụ sở Hàng không Việt Nam ở Sài Gòn, Viện Hạt nhân ở Đà Lạt, chợ Đà Lạt, trường Sư phạm Huế, Khách sạn Hương Giang ( I và II) ở Huế…
Kiến trúc các trường học chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động sáng tác của các kiến trúc sư ở phía Nam, tập trung chủ yếu ở Sài Gòn, Thủ Đức và một phần ở Huế, Cần thơ. Đại học Thủ Đức nằm cạnh xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa là đại học tổng hợp bao gồm nhiều khoa: sư phạm, văn khoa, luật khoa, khoa học, kinh tế… Tổng thể kiến trúc trường đại học nằm trên một khu đồi thoải rộng rãi, nhiều cây xanh, mỗi trường nằm trên một khuân viên riêng tạo nên sự đa dạng cho toàn khu. Công việc thiết kế được giao cho nhiều kiến trúc sư, ngoài Đại học Nông – Lâm – Súc do Ngô Viết Thụ thiết kế còn có Vũ Tòng là người thiết kế trường Bách Khoa, trường Kinh tế. Kề bên khu giảng dạy còn có khu biệt thự (làng đại học) là nhà ở của các thầy giáo (khoảng 200 nhà biệt thự). Kiến trúc các biệt thự rất đa dạng, phần lớn do các KTS Huỳnh Kim Mãng, Nguyễn Duy Đức, Tô Công Văn, Lê Văn Lắm thiết kế.
Đại học Cần Thơ nằm trên khu đất hơn 70 hecta cũng là một tổng thể kiến trúc đẹp gồm các khoa: luật, y khoa, văn hóa, nông nghiệp… và có sự tham gia thiết kế của các KTS: Phạm Gia Hiến, Nguyễn Văn Hoa, Lê văn Lắm, Huỳnh Kim Mãng, Nguyễn Quang Nhạc, Trần Văn Tải, Phạm Văn Thắng, Ngô Viết Thụ. Đặc biệt kiến trúc Hội trường lớn do KTS Huỳnh Kim Mãng thiết kế có tạo hình độc đáo (hình con rùa) là một sáng tạo kiến trúc gây ấn tượng. Ngoài ra về kiến trúc trường học cũng cần ghi nhận công trình Quốc gia Sư phạm do các KTS. Trần Văn Tải, Bùi Quang Hanh và Lê Văn Lắm thiết kế.
Trong số các công trình kiến trúc phục vụ văn hóa thì nổi bật nhất là kiến trúc Thư viện Quốc gia nằm ở một vị trí khá đẹp tại trung tâm thành phố (góc phố Lý Tự Trọng và Nguyễn Trung Trực). Các tác giả thiết kế (Nguyễn Hữu Thiện, Bùi Quang Hanh, Lê Văn Lắm) đã tạo hình khéo léo kết hợp khối nhà nằm ngang của các phòng đọc với khối đứng là kho sách, đem lại những hình ảnh sinh động từ nhiều góc nhìn. Đặc biệt mặt nhà khối phòng đọc được trang trí bằng mạng lưới hoa văn bê tông kết hợp những pa – nô vuông đúc nổi hình rồng phượng đã gây được hiệu quả tốt về sự kết hợp tính hiện đại của khối nhà với những chi tiết trang trí khai thác từ kiến trúc truyền thống.
Kiến trúc các ngân hàng là một phạm vi hoạt động nghề nghiệp mà các KTS ở miền Nam đã có những đóng góp đáng kể. Ngân hàng Việt Nam thương tín cao 11 tầng ở vị trí góc phố Tôn Thất Đạm và đại lộ Hàm Nghi đã cho thấy dấu hiệu về sự tìm đến kiến trúc hiện đại thế giới với sự đóng góp của nhiều KTS. Phương án được chọn để thực hiện là của KTS Phạm Văn Thâng (qua cuộc tuyển lựa các phương án tham gia của các KTS Ngô Viết Thụ, Hoàng Hùng, Nguyễn Mạnh Bảo, Nguyễn Quang Nhạc, Nguyễn Văn Hoa…). Cùng theo tinh thần khai thác kiến trúc hiện đại thế giới có thể kể đến kiến trúc của nhiều ngân hàng khác như Ngân hàng Trung Nam (góc phố Nguyễn Công Trứ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa) của nhóm KTS Nguyễn Văn Hoa, Nguyễn Quang Nhạc, Phạm Văn Thâng, Việt Nam Công thương Ngân hàng do KTS Trần Văn Ba thiết kế cũng như các công trình dịch vụ về thương mại, tài chính như: tòa nhà Công ty Bảo hiểm V.A.R do KTS Lê Văn Lắm thiết kế, thương xa Crystal Palace do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế. Vào khoảng các năm 1965 – 1970 còn có các kiến trúc như Trung Nam ngân hàng của Phạm Văn Thăng, Kỹ Thương ngân hàng của Nguyễn Ngọc Nhâm.
Về Khách sạn và nhà ở thì sự đóng góp sớm nhất của các KTS ở miền Nam có lẽ là khách sạn Caravelle (nay là Khách sạn Độc Lập) khởi đầu do KTS người Pháp Masson thiết kế, nhưng rồi Pháp rút lui khỏi miền Nam và do các KTS Việt Nam tiếp tục (nhóm Nguyễn văn Hoa, Phạm Văn Thâng, Nguyễn Quang Nhạc) xây dựng năm 1956 và khánh thành năm 1962. Khách sạn 11 tầng này từng được coi là “tối tân và đẹp nhất ở Sài Gòn”. Không thua kém về mức độ trang bị hiện đại, kiến trúc Palace hotel (nay là khách sạn Hữu Nghị) ở góc đường Nguyễn Huệ và Ngô Đức Kế là sáng tạo của kiến trúc sư Vũ Bá Đính được đánh giá là hiện đại và trang nhã. Danh sách các sáng tạo kiến trúc thuộc lĩnh vực khách sạn còn có thể kéo dài thêm nữa: Park Hotel (sau là khách sạn Tao Đàn), Embassy Hotel (nhà khách Bến Nghé), Arc – en – ciel… đều có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kiến trúc theo xu hướng kiến trúc hiện đại ở Sài Gòn vào những năm này.
Kiến trúc nhà ở không phải là lĩnh vực được quan tâm nhiều tuy cũng có xây dựng nhiều “khu cư xá” (cư xá Phú Lâm, cư xá Trương Minh Giảng, cư xá Tân Thuận Đông…). Có chất lượng ít nhiều về kiến trúc là một số khu ở của công chức thuộc tầng lớp trên trong xã hội, đặc biệt là các cư xá của cán bộ ngành ngân hàng với các kiểu biệt thư đơn lập và song lập, chẳng hạn cư xá của Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (đường Trương Minh Giảng, Thoại Ngọc Hầu) do KTS Phạm Văn Thâng thiết kế. Cư xá Thanh Đa là hiện tượng cá biệt xây dựng nhà ở cho dân cư đông đảo trên khu đất rộng 36 hecta nằm cạnh kênh Thanh Đa và sông Sài Gòn, cấu trúc khu nhà gồm hai phần (giống như 2 nhóm nhà ở trong một tiểu khu nhà ở) cho tổng số trên 5000 gia đình đến ở.
Trong số các gương mặt nghệ sĩ – KTS có nhiều hoạt động nghề nghiệp đóng góp vào sự phát triển nền kiến trúc mới Việt Nam trên địa bàn phương nam và chủ yếu là ở đô thành Sài Gòn, KTS Huỳnh Tấn Phát là một trường hợp đặc biệt. Ông tốt nghiệp xuất sắc Mỹ thuật Đông Dương các năm 30, khá nổi bật vào đầu những năm 1940 ở phía Nam khi đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế Triển lãm Kinh tế Đông Dương lần thứ hai tại Vườn Bờ Rô (nay là Công viên Tao Đàn) Sài Gòn. Tòa nhà đồ sộ cao 5 tầng Câu lạc bộ Thủy thủ Pháp (sau trở thành Phủ Thủ tướng và nay là Văn phòng Hai của Chính phủ ở phía Nam) ông tham gia thiết kế khi còn đang thực tập trong văn phòng kiến trúc Pháp Chauchon càng làm tăng uy tín nhà kiến trúc người Việt tài ba này. Ông đã xây dựng nhiều biệt thự cho cả người Pháp lẫn người Việt, trong đó có ngôi nhà đường Nguyễn Đình Chiểu (nay đang là Lãnh sứ quán Nhật Bản ở thành phố Hồ Chí Minh). Ngôi nhà của gia đình bác sĩ Dương Quỳnh Hoa (góc đường Bà Huyện Thanh Quan – Nguyễn Thị Minh Khai) do ông thiết kế vẫn còn đó… Do phải tham gia kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, ông không còn có thì giờ sáng tác nữa. Tuy vậy, trong cương vị lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng rất bận rộn, ông vẫn tiếp tục làm kiến trúc: thiết kế Hội trường đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng trong Chiến khu D, phác thảo phương án quy hoạch thủ phủ tạm thời Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ở Lộc Ninh (tỉnh Sông Bé ngày nay). Sau năm 1975, ông đã tự tay phác thảo gợi ý cho công trình nhà hát Hòa Bình lớn nhất nước sau 1975 ở quận 10 thành phố Hồ Chí Minh.
Góp sức nhiều trong việc sáng tạo một phong cách hiện đại ở phía Nam là nhóm Văn phòng kiến trúc của 3 KTS Nguyễn Văn Hoa – Phạm Văn Thâng – Nguyễn Quang Nhạc, cùng với các KTS Bùi Quang Hanh, Lê Văn Lắm, Trần Văn Tải, Huỳnh Kim Mãng, Tô Công Văn…
Vào khoảng các năm 1950 và đầu các năm 1960, nhóm KTS Nguyễn Văn Hoa – Phạm Văn Thâng – Nguyễn Quang Nhạc nổi tiếng với hàng loạt công trình theo xu hướng hiện đại như Khách sạn Caravelle, xưởng dệt Vinatexco, nhà máy giấy Cogido ở Biên Hòa, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín… Văn phòng kiến trúc uy tín bậc nhất Sài Gòn này được xem là mẫu mực về một công ty thiết kế kiến trúc có hệ thống tổ chức tốt đã đảm nhận xây dựng nhiều công trình quy mô lớn ở Sài Gòn và khắp miền Nam trước 1975.
Sự đóng góp của các KTS thế hệ đầu cho bộ mặt kiến trúc ở miền Nam nói chung và ở Sài Gòn nói riêng trong khoảng thời gian 1954 – 1975 là rất đáng kể. Do sớm được tiếp cận với những thành tựu của kiến trúc hiện đại thế giới nên những tác phẩm của họ rất phong phú, đa dạng và tạo được nhiều hình ảnh đô thị sinh động. Mặt khác sự quan tâm đến yếu tố khí hậu còn góp phần làm cho kiến trúc mang được sắc thái địa phương, thể hiện những đặc trưng phong cách kiến trúc hiện đại – nhiệt đới hóa.
HOẠT ĐỘNG PHONG PHÚ VÀ NHIỀU ĐÓNG GÓP CHO XÃ HỘI
Thế hệ KTSVN đầu tiên sống và lao động trong bối cảnh xã hội thật đặc biệt. Được chuẩn bị đầy đủ về nghề nghiệp nhưng xã hội đã đặt lên vai họ những trách nhiệm vô cùng lớn lao vượt xa trách nhiệm của nghề nghiệp. Cuộc cách mạng tháng tám nổ ra, chính quyền cách mạng được thành lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, đất nước trong cảnh nước sôi lửa bỏng, lớp nghệ sĩ đầu đàn của nền kiến trúc mới nước ta đã không ngần ngại dẫn thân vào cuộc đấu tranh và rất nhiều người trong họ đã có những đóng góp to lớn cho cách mạng.
Từ trước ngày Tổng khởi nghĩa, nhiều kiến trúc sư đã tham gia phong trào cách mạng trên nhiều địa bàn với những cương vị khác nhau. Tại địa bàn Sài Gòn, KTS Huỳnh Tấn Phát lập tờ tuần báo Thanh Niên do ông là chủ nhiệm với khuynh hướng chống Pháp, chống Nhật đã thúc đẩy phong trào Thanh Niên Tiền phong ở Sài Gòn – chợ lớn. Ông tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Sài Gòn ngày 25 – 8 -1945 và sau đó giữ nhiều chức vụ của chính quyền cách mạng: uỷ viên Uỷ ban kháng chiến Hành chính Nam Bộ kiêm giám đốc sở thông tin Nam Bộ, uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Đặc khu Sài Gòn, trức tiếp phụ trách Đài phát thanh “ Tiếng nói Sài Gòn – chợ lớn tự do” ở chiến khu D…
Trên địa bàn Hà Nội, KTS Ngô Huy Quỳnh hoạt động trong Việt Nam Cứu quốc hội, sau khi tham gia tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, ông được Tổng Bộ Việt Minh cử tham gia chỉ đạo khởi nghĩa tại thành phố Nam Định. Ngày toàn quốc kháng chiến 19 -12- 1945 ông tham gia chiến đấu bảo vệ thủ đô trong đơn vị tự vệ Liên khu 2 và sau đó ở Việt Bắc ông tham gia Đoàn Văn hoá kháng chiến, phó giám đốc Sở Thông tin Liên khu X.
Vớu nhiệt huyết cách mạng, các KTS thế hệ đầu tiên đã gánh vác nhiều trọng trách trong bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân và trong quân đội, nhiều gnười là đại biểu quốc hội, là cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan chuyên môn. Ngay ở thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống pháp đã có nhiều kiến trúc sư được giao nhiệm vụ trong các Uỷ ban Hành chính Kháng chiến ở các tỉnh như: KTS Hoàng Như Tiếp (Uỷ viên UBHCKC tỉnh Phúc Yên), KTS Nguyễn Văn Ninh (Phó chủ tịch UBHCKC tỉnh Lạng Sơn), KTS Dương Hy Chấn (phó chủ tịch UBHCKC tỉnh Bắc Ninh); nhiều KTS được giao nhiệm vụ phục vụ trong quân đội: KTS Hoàng Linh (Đỗ Hữu Dư) là thiếu tá trong Ban liên lạc và kiểm soát quân đội Việt – Pháp ở Hà Nội và sau là trung tá cục trưởng cục Doanh trại, KTS Nguyễn Nghi là sỹ quan công binh , KTS Phạm Hoàng là cục phó cục Công binh và sau là đại tá tư lệnh công binh… ở vị trí lãnh đạo cao phải kể đến KTS Huỳnh Tấn Phát, ông là chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam VN năm 1969, Phó thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1976, kiêm chủ nhiệm uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước năm 1979…
Nhiều KTS là đại biểu của nhân dân các địa phương tham gia vào Quốc hội nước VNDCCH : KTS Nguyễn Nghi (khóa II), KTS Tạ Mỹ Duật (khoá III), KTS Nguyễn Cao Luyện (các khoá II, III, IV, V và trước đó ông còn là uỷ viên Uỷ ban nghiên cứu Kế hoạch quốc gia năm 1946), KTS Huỳnh Tấn Phát (các khoá I, II, III, VI, VII, VIII, ông còn là uỷ viên Đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ quốc VN năm 1977 và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc VN năm 1983). Ngoài ra cũng phải kể đến sự đóng góp của các kiến trúc sư trên cương vị lãnh đạo các cơ quan chuyên môn ngành kiến trúc – xây dựng và được xem là các “con chim đầu đàn” của ngành chuyên môn này. Đó là vai trò lãnh đạo của KTS Nguyễn Cao Luyện ở cương vị Thứ trưởng Bộ Kiến trúc, các KTS Nguyễn Văn Ninh, Nguyễn Ngọc Ngọc Chân ở cương vị lãnh đạo cục thiết kế Dân dụng Bộ Kiến trúc, các KTS Hoàng Như Tiếp, Ngô Huy Quỳnh ở cương vị lãnh đạo Cục Đô thị và Nông thôn Bộ Kiến trúc…
Việc tham gia xây dựng tổ chức nghề nghiệp khởi đầu là Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam về sau là Hội Kiến trúc sư Việt Nam ( thành viên của Hội Liên hiệp Kiến trúc sư Quốc tế ) là một đóng góp to lớn của thế hệ KTSVN đầu tiên được giới nghề ghi nhận. Nền Kiến trúc mới Việt Nam ra đời cùng lúc với cuộc cách mạng khai sinh một nhà nước mới dân chủ và nhân dân đương nhiên phải mang những tư tưởng tiến bộ của cuộc cách mạng dân tộc và dân chủ thể hiện trên những quan điểm “dân tộc hoá, đại chúng hoá, khoa học hoá” được nói rõ trong “ Đề cương Văn hoá” do Đảng Cộng sản Đông Dương xây dựng từ năm 1943. Theo quan điểm này, từ trước ngày toàn quốc kháng chiến 19 – 12 – 1946 nhiều KTS đã mong muốn thành lập Đoàn KTS VN nhằm tập hợp lực lượng và xác định những nhiệm vụ xã hội phải gánh vác, nhưng đã không thực hiện được.
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tại chiến khu Việt Bắc cùng toàn dân tộc thực hiện khẩu hiệu “ kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công” những người làm công tác văn hoá nghệ thuật đã xúc tiến việc xây dựng các tổ chức nghề nghiệp, trong đó tổ chức Đoàn KTS VN đã được hình thành vào tháng 4 năm 1948, địa điểm tổ chức hội nghị thành lập Đoàn là thôn Thản Sơn, xã Chiến Thắng, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên ( nay là xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc ). Do điều kiện làm việc phân tán ở rất nhiều nơi và việc đi lại, thông tin liên lạc có rất nhiều khó khăn nên cũng chỉ một số KTS được tập hợp về đây tổ chức hội nghị, đó là các KTS Trần Hữu Tiềm, Nguyễn Ngọc Chân, Đoàn Văn Minh, Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Tạ Mỹ Duật, Võ Đức Diên, Phạm Quang Bình.
Hội nghị khai mạc sáng ngày 24/04/1948 có mặt lãnh đạo Bộ Giao Thông Công Chính, đại diện Ban Chấp hành lâm thời Hội Văn nghệ Việt Nam, đại diện chính quyền địa phương cũng có mặt. Hội nghị được tiếp nhận thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới các KTS do bộ trưởng Trần Đăng Khoa đọc trước hội nghị. Hội nghị xúc động trước những lời dạy ân tình và thiết thực đối với hoạt động nghề nghiệp. Hội nghị cũng nghiên cứu để thấm nhuần đường lối kháng chiến, kiến quốc, đặc biệt là các phương châm “dân tộc hoá, đại chúng hoá, khoa học hoá”, từ đó xây dựng kế hoạch và chương trình làm việc của các phòng kiến trúc ở các liên khu vừa được thành lập với hai nhiệm vụ chính là”
1/ Nghiên cứu và thiết lập kiến trúc để kiến thiết thôn quê và thành thị.
2/ Tìm phương hướng để thực hiện dần dần công cuộc cải thiện đời sống
nhân dân về phương diện kiến trúc trong khắp thôn quê.
Hội nghị đã bầu Ban chấp hành đầu tiên của Đoàn KTS VN gồm 3 người: Tổng thư ký là KTS Hoàng Như Tiếp ( Liên khu I ), Phó tổng thư ký: KTS Trần Hữu Tiềm ( Liên khu III ), Uỷ viên: KTS Tạ Mỹ Duật (Liên khu X). Sau Hội nghị, các KTS lại toả về các địa phương hoạt động nghề nghiệp trên nhiều lĩnh vực song song với các hoạt động của các hội văn hoá nghệ thuật khác, một hoạt động của giới kiến trúc được nhân dân hoan nghênh là cuộc triển lãm về kiến trúc ở ấm Thượng ( tỉnh Phú Thọ ) vào năm 1948 – Các kiến trúc sư đã trưng bày những mẫu nhà ở cho các vùng đồng bằng, trung du, miền núi, các phương án thiết kế nhà câu lạc bộ, nhà văn hoá, hội trường, lớp học bình dân học vụ, trạm xá xã, trụ sở uỷ ban kháng chiến hành chính các cấp…đã khắc gỗ để in nhiều bản phát cho các địa phương. Tại triển lãm này cũng có các công trình để xây dựng đô thị sau khi kháng chiến thắng lợi. Nhiều người chú ý đến phương án Đài Độc lập của các kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật, Ngô Huy Quỳnh, Nguyễn Nghi. Triển lãm về kiến trúc đã là nguồn động viên để quân và dân ta chiến đấu anh dũng trên các mặt trận.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc với chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, nhưng đất nước lại bị chia cắt và các Kiến trúc sư thế hệ đầu tiên cũng bị phân tán hoạt động trên cả hai miền Bắc và Nam của đất nước. Ở miền Bắc 16 Kiến trúc sư từ chiến khu trở về tiếp quản Nha Kiến trúc của chế độ cũ ở Hà Nội. Trong thành chỉ còn lại 4 Kiến trúc sư: Nguyễn Xuân Phương, Đoàn Ngọ, Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Ngọc Diệm. Với 20 kiến trúc sư đã đoàn kết một lòng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, từng bước hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng miền Bắc xã hội Chủ nghĩa.
Ngày 26, 27-4-1957 ( đúng ngày này 9 năm sau hội nghị Thản Sơn) giới Kiến trúc sư tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ II với sự có mặt 21 hội viên, ( có 2 kỹ sư xây dựng là Nguyễn Hữu Thứt và Bùi Huy Khuê). Đây là hội nghị tập hợp lực lượng kiến trúc sư theo kháng chiến và kiến trúc sư ở vùng nừa được giải phóng. Hội nghị đã thảo luận hai chủ đề quan trọng là: “Tình hình hoạt động trong 10 năm qua và đấu tranh cho một nền kiến trúc dân tộc”. Hội nghị đã bầu KTS Hoàng Linh làm Tổng Thư ký, KTS Hoàng Như Tiếp và KTS Trần Hữu Tiềm làm Phó Tổng Thư ký cùng 4 Uỷ viên Ban chấp hành là các Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm, Nguyễn Cao Luyện, Ngô Huy Quỳnh, Khổng Toán.
Năm 1958, với những hoạt động trên trường quốc tế, Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam đã nâng cao vị thế Kiến trúc sư Việt Nam, trở thành thành viên của Hội liên hiệp Kiến trúc sư Quốc tế (UIA), Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam chịu sự quản lý của Ban Bí thư Trung Ương Đảng. Đoàn đã tổ chức cho các Kiến trúc sư tham gia các cuộc thi và đã có một số giải thưởng kiến trúc quốc tế như Đài Chiến thắng Gyron ở Cuba, các cuộc thi trong nước như thiết kế nhà Quốc hội, Cung văn hoá Lao động Thủ đô, tham gia các đợt sáng tác kién trúc Lăng Bác Hồ.
Trong khi đó ở miền Nam các KTS đã hoạt động trong các điều kiện rất khác nhau, KTS Huỳnh Tấn Phát tiếp tục hoạt động cách mạng trong vòng bí mật ( nhiều phen bị bắt bớ, tù đầy), nhièu KTS ngoài Bắc di cư vào hoạt động cùng các KTS ở Sài Ngòn và KTS tốt nghiệp từ Pháp về. Một số ít làm việc tại công sở của chính quyền, số đồng hành nghề tư nhân và tham gia giảng dạy ở trường cao đẳng kiến trúc. Việc hành nghề kiến trúc tại đây cũng có sự ngắn bó về nghề nghiệp trong tổ chức Kiến trúc sư Đoàn ( không thuộc hệ thống Hội liên hiệp Kiến trúc sư Quốc tế UIA).
Sau miền Nam được giải phóng và thống nhất tổ quốc, các KTS ở hai miền lại có dịp đoàn tụ và phát triển nghề nghiệp ở thời kỳ mới. Họ lại có dịp tổ chức Đại hội để tổ chức Hội được qui về một mối và tạo sự tiếp nối giữa các thế hệ KTS.
Đại hội Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ III họp vào các ngày 25,26 và 27 – 11-2983 đã tập hợp lực lượng hai miền Bắc Nam xây dựng đất nước thống nhất, là thời điểm chuyển giao công tác Hội giữa các thế hệ kiến trúc sư. Trong số 53 Uỷ viên Ban chấp hành mới chỉ còn lại 3 người thuộc thế hệ trước, trong đó KTS Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch Hội. Đại hội đã trân trọng mời 10 Kiến trúc sư cao tuổi làm Ban cố vấn.
Ngoài những đóng góp lớn lao cho xã hội và cho tổ chức nghề nghiệp nêu trên thì vai trò của các KTS thế hệ đầu tiên ở vai trò họ là những người thầy đào tạo và hướng dẫn thế hệ trẻ cũng như những đóng góp của họ vào việc phát triển lý luận chuyên môn qua những tài liệu nghiên cứu, các cuốn sách, các bài báo chuyên môn cũng được xem là một tài sản vô giá để lại cho thế hệ sau. Tuy số lượng không thật nhiều bởi không có điều kiện dành nhiều thời gian và công sức cho công việc này, nhưng những suy nghĩ sâu sắc qua những nghiên cứu và sách báo họ để lại là điều rất đáng trân trọng.
Trên lĩnh vực tìm hiểu để học hỏi truyền thống kiến trúc dân tộc, các thế hệ sau đã học hỏi được rất nhiều điều từ các cuốn sách của KTS Nguyễn Cao Luyện như Từ những mái nhà tranh cổ truyền, Chùa Tây Phương một số công trình kiến trúc cổ truyền độc đáo, của KTS Ngô Huy Quỳnh với rất nhiều sách về lịch sử Kiến trúc Việt Nam và lịch sử của nhiều nền kiến trúc khác trên thế giới được in đi in lại nhiều lần của KTS Nguyễn Bá Lăng, sách Kiến trúc phật giáo Việt Nam trên lĩnh vực quy hoạch đô thị, một ngành khoa học còn rất mới mẻ ở nước ta, thì cũng đã có những cuốn sách nhiều giá trị như của KTS Hoàng Như Tiếp: Mối quan hệ giữa quy hoạch vùng lãnh thổ và quy hoạch xây dựng đô thị, của KTS Ngô Huy Quỳnh: Quy hoạch cải tạo và xây dựng đô thị, của KTS Đàm Trung Phường: Đô thị Việt Nam. Ngoài ra KTS Vương Quốc Mỹ có sách Khí hậu và kiến trúc được soạn dựa trên luận án phó tiến sĩ ông đã làm ở Liên Xô trước đó.
Tham gia vào việc giảng dạy và đào tạo các KTS thì ngay từ thời kỳ trường Mỹ Thuật Đông Dương, KTS Nguyễn Cao Luyện đã được mời tham gia giảng dạy và về sau Ông cũng là người lãnh đạo, tổ chức và trực tiếp giảng dạy nhiều khoá đào tạo KTS ở Đại học Bách Khoa, ở lớp KTS của Bộ Kiến trúc. Cùng với ông còn có nhiều KTS khác cũng có công rất lớn trong lĩnh vực đào tạo thế hệ trẻ, đó là các KTS Đoàn Văn Minh, Ngô Huy Quỳnh, Nguyễn Nghi, Tạ Mỹ Duật, Đàm Trung Phường, Khổng Toán… và ở địa bàn Sài Gòn là các KTS Nguyễn Quang Nhạc, Phạm Văn Thông, Huỳnh Kim Mãng, Đỗ Bá Vinh, Trần Văn Tải…cùng rất nhiều KTS khác của thế hệ này. Thêm một lần nữa các KTS lớp đầu của nền kiến trúc mới VN không chỉ được tôn vinh như những người mở đường, họ còn là những bậc thầy đáng kính để lại nhiều hình ảnh tốt đẹo trong tâm trí các thế hệ KTS nối tiếp về sau. Rất nhiều người trong số họ đã được Nhà nước trao tặng các huân chương, các giải thưởng cao quý.
DANH SÁCH CÁC KIẾN TRÚC SƯ VÀ HOẠT ĐỘNG NGHỀ NGHIỆP
Những nghệ sĩ – KTS lớp đầu của nền kiến trúc mới Việt Nam phần lớn đã đi qua gần trọn cuộc đời, gia tài họ để lại cho các thế hệ sau chính là những nỗ lực của họ trong quá trình hoạt động nghề nghiệp. Dù lớn dù nhỏ, đó là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng để các thế hệ sau kế thừa và phát triển.
Danh sách thế hệ KTS Việt Nam đầu tiên và những ghi chú về con người, hoạt động nghề nghiệp
Phía trái: con người, nhân thân (theo a, b, c)
Phía phải: hoạt động chuyên môn
(Viết tắt: k12 khóa 12, tn nơi tốt nghiệp, tk thiết kế…)
Viện Kiến trúc.
Nguồn: Vienkientruc.vn