Đồ án đạt giải Nhất Giải thưởng Loa Thành 2021
SV: Lê Tấn Chung
GVHD: Ths. KTS. Hồ Viết Vinh
Trường ĐH Kiến Trúc TP. HCM
Phục hồi, tái tạo không gian cảnh quan một phần tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt-Phan Rang là một đề tài hấp dẫn, mang tính cấp thiết trong bối cảnh phát triển kinh tế, với mũi nhọn là phát triển du lịch dựa trên các tiềm năng về lịch sử, văn hóa, cảnh quan tự nhiên.
Ý tưởng tìm lại những giá trị lich sử, văn hóa, cảnh quan tự nhiên của Đà Lạt; Phác thảo hành trình phát triển Đà Lạt theo đoàn tầu hỏa xa và khắc họa trong từng đoạn tuyến, từng điểm, bến, trạm dừng chân của đường sắt đoạn qua Đà Lạt. Từ đó, tạo nên một vùng đất mang tinh thần Đà lạt về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, cảnh quan hai bên tuyến đường sắt – Bổ sung và làm phong phú thêm những giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên của Đà Lạt. Đồ án tạo nên những dấu ấn nơi chốn, kí ức, cảm xúc đem lại sức hấp dẫn cho môi trường phát triển dịch vụ du lịch, mang tính khả thi.
Các giải pháp đề xuất được dựa trên nền tảng phân tích thấu đáo lịch sử phát triển Đường sắt răng cưa Đà Lạt – Phan Rang và tôn trọng những giá trị của môi trường văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên, nơi tuyến đường sắt răng cưa được hình thành. Đồ án đã chuyển tải những thông điệp hết sức nhân văn từ ý tưởng đến cách biểu đạt của hệ thống các bản vẽ, sơ đồ minh họa.
Nhận xét của Hội đồng Giải thưởng Loa Thành 2021.
Đồ án tiếp cận đặc trưng cảnh quan làm nền tảng kiến tạo nơi chốn với ý tưởng: “Tìm lại cảnh quan văn hoá, cảnh quan sinh thái của Đà Lạt qua hành trình một phần tuyến đường sắt răng cưa đoạn từ trạm Đa Thọ đến trạm Hành”.
Cấu trúc không gian phân thành 3 vùng cảnh quan: ĐÔ THỊ-KHAI PHÁ-NGUYÊN SƠ, mỗi vùng cảnh quan được hình thành dựa trên hạt nhân là trạm xe lửa xưa được bảo tồn-tôn tạo-phát triển, kết hợp các không gian văn hoá-nông nghiệp-dịch vụ, tạo nên một điểm đến để đánh thức tiềm năng du lịch và phát triển kinh tế địa phương.
Tuyến cảnh quan kết nối 3 vùng với chiều dài 19km (bao phủ một diện tích 194 ha) sẽ là một hành trình quay ngược thời gian-không gian để trải nghiệm sự biến chuyển cảnh quan dưới tác động của canh tác nông nghiệp và phát triển đô thị. Đặc trưng mỗi vùng dựa trên 3 giá trị không gian cốt lõi:
– Vùng 1: Không gian văn hoá sáng tạo với lõi trung tâm là trạm Đa Thọ, diện tích 7 ha.
– Vùng 2: Không gian cộng đồng khai phá và xây dựng nên Đà Lạt với lõi trung tâm là hầm số 5, hầm số 4 và trạm Cầu Đất, diện tích 105 ha.
– Vùng 3: Không gian cảnh quan nguyên sơ Đà Lạt với lõi trung tâm là trạm Hành & công viên Yersin, diện tích 82 ha
Kiến trúc cảnh quan mỗi không gian mang hơi thở cảnh quan đồi núi, rặng thông, dấu tích kiến trúc Pháp và pha lẫn màu sắc bản địa thông qua các ngôn ngữ: landform architecture (kiến trúc hình thể) và biophilic architecture (kiến trúc bắt nguồn từ cảm hứng sinh thái).
KTS Kim Anh – Viện Kiến trúc.
Nguồn: Vienkientruc.vn