Đồ án đạt giải Nhất Giải thưởng Loa Thành 2021
SV: Võ Hoàng Vinh
GVHD: Ths. KTS. Phạm Quang Diệu
Trường ĐH Kiến Trúc TP. HCM
Đồ án có khối lượng lớn và thể hiện công phu, cho thấy rõ khả năng nghiên cứu sâu và năng lực triển khai của sinh viên. Tác giả đã biết khai thác những dữ liệu và thông tin từ Phật giáo (khá sâu sắc) qua phân tích, đánh giá, để rồi chọn lọc chuyển hóa thành nội dung ý tưởng chủ đạo cùng các chi tiết với ngôn ngữ sáng tạo hiện đại. Các ý tưởng thiết kế là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn về mặt tinh thần và tâm linh với bối cảnh hiện trạng khu vực thiết kế (An Giang). Đồ án biết tận dụng địa hình và thế đất, tôn trọng tối đa cảnh quan thiên nhiên để khéo léo sắp xếp bố cục các khối công trình. Việc sử dụng các ngôn ngữ kiến trúc cô đọng, tương phản mà hài hoà với thiên nhiên là một giải pháp tinh tế, thể hiện tài năng của sinh viên.
Bố cục mặt bằng các khu chức năng mạch lạc, rõ ràng, liên kết với nhau, tạo ra các trục bố cục, tổ hợp khối chính, phụ với các công năng phù hợp. Không gian nghi lễ linh thiêng có qui mô hợp lý và tính riêng tư, có sự tương phản âm – dương ẩn dụ khéo léo, với tỷ lệ gần gũi, phù hợp với con người. Sinh viên thể hiện kỹ năng diễn họa chuyên nghiệp, giàu thẩm mỹ, thể hiện đầy đủ các nội dung theo yêu cầu một đồ án tốt nghiệp. Tuy nhiên, ở một vài chi tiết, nếu sinh viên có sự tiết chế hơn nữa thì đồ án sẽ còn hoàn thiện ở mức độ cao hơn và phù hợp với bản chất của khái niệm “Thiền”.
Nhận xét của Hội đồng Giải thưởng Loa Thành 2021.
Xuất phát từ đặc trưng địa hình đồi núi Thiên Cấm Sơn, trên tinh thần đề cao mối liên hệ hữu cơ giữa con người, kiến trúc và môi trường xung quanh. Tổng thể công trình là một cái “chạm”. “Chạm” nhưng không phá vỡ, “chạm” vào nơi mà nó được sinh ra, “chạm” để hòa nhập, “chạm” để bảo vệ và “chạm” để cùng tạo nên nét đẹp cho nơi chốn.
Hình khối đơn giản, nhẹ nhàng mà hiệu quả, dựa trên tinh thần của Thiền. Kiến trúc đề cao tinh thần Phật giáo, “Chạm” vào cái “Không”. Cái “chạm” của Định và Tuệ, hình ảnh 2 bàn tay “chạm” vào nhau thể hiện tinh thần đồng hiệu, thiền định, nhất tâm và tập trung tư tưởng. Cái “Không” hiện hữu liên tục, sự cân bằng đặc rỗng về hình thức kiến trúc, bố cục, các không gian chức năng với những khoảng “Không” của cảm xúc. Công trình được thiết kế ẩn mình vào thiên nhiên, hướng tiếp cận chính của công trình gần như biến mất hoàn toàn bởi sự nép mình khá kỹ càng vào màu xanh bạt ngàn của rừng núi. Đó là sự ẩn mình hoàn hảo của một công trình cần sự tĩnh lặng.
KTS Kim Anh – Viện Kiến trúc.
Nguồn: Vienkientruc.vn